Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Chợ ma, hay chợ âm phủ, là tên gọi chỉ chợ đêm Đồng Bằng thuộc địa bàn xã An Lễ (Quỳnh Phụ, Thái Bình), buôn bán duy nhất một mặt hàng "đặc sản" là chiếu trắng dệt bằng tay.

< Cổng vào chợ chiếu đêm Đồng Bằng ngay trên mặt đường Quốc lộ 10 được mở vào lúc 0h sáng.

Chiếu cói Quỳnh Phụ (Thái Bình) từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Thế nhưng không phải ai cũng quen thuộc với phiên chợ chiếu đêm tại đây mà người dân vẫn quen gọi là chợ ma hay chợ âm phủ.

Hình ảnh những chiếc chiếu trắng được dựng thẳng đứng, người mua kẻ bán nhập nhoạng có thể làm người yếu bóng vía toát mồ hôi.

Cư dân quanh vùng cũng đã không còn nhớ nổi cái tích lý giải cho việc chợ họp vào cái giờ oái oăm như thế. Chỉ còn biết từ nửa đêm đến rạng sáng ngày 4 và 9 hàng tháng theo âm lịch (4,9,14,19,24,29) chợ chiếu Đồng Bằng chính thức vào phiên.

< Phiên chợ đay được mở sớm hơn, một con đay nguyên liệu nặng 1,5 cân bán với giá từ 70 đến 80 nghìn đồng, có thể dệt được đôi chiếu dài 1,6m, sợi đay càng nhỏ thì càng dễ bán.

Hơn 12 giờ đêm trời tối đen như mực, ngửa lòng bàn tay còn không thấy. Không gian tĩnh lặng cộng với cái giá buốt trong đêm khiến cho người ta dễ có cảm giác rằng xã An Lễ (huyện Quỳnh Phụ) quê mùa này đang chìm sâu vào giấc ngủ.

Vậy nhưng chỉ nửa giờ đồng hồ sau, phía quốc lộ 10 bắt đầu nhộp nhịp với hàng trăm xe đạp lò dò trong bóng tối dày đặc, khó trông rõ nhân dạng. Mỗi chiếc xe chở vài đôi chiếu cói mộc hay còn gọi là chiếu trắng. Một lát sau, các lái buôn cũng xuất hiện với các ngọn đèn pin trong tay. Đó là thứ ánh sáng duy nhất từ chợ chiếu. Đúng 1 giờ sáng, cổng chợ Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) mở toang và phiên chợ bắt đầu.

< Trước đây để xem hàng khách chỉ sử dụng chiếc đèn dầu, còn hiện nay dùng duy nhất loại đèn mỏ để soi. Kẻ mua người bán tại chợ chiếu “âm phủ” đều thích thú với cảnh giao dịch tranh tối tranh sáng vì “càng nhập nhoạng càng dễ có lợi”.

Một giờ sáng, tiếng í ới, hỏi han, chèo kéo làm khu chợ ồn ào hẳn. Duy chỉ ánh điện là không có, khiến khu chợ Đồng Bằng như một đốm sáng nhạt chập choạng trong đêm. Không ai bảo ai, phiên chợ bắt đầu là hàng trăm, hàng ngàn đôi chiếu trắng được dựng đứng lên, che mất cả người bán. Nếu không tinh mắt, người ta dễ có cảm giác những đôi chiếu này dường như “có ma” khi tự đứng được. Lúc này, các lái buôn bắt đầu len lỏi qua các cột chiếu, cầm đèn đi soi chiếu, sờ soạng và chọn mua.

< Phiên chợ chiếu đông đến hàng trăm người bán, mở vào lúc 2h sáng, theo người cao tuổi nhất trong chợ đây là tục lâu đời không ai biết rõ lý do.


Chợ Đồng Bằng thuộc xã An Lễ nhưng dân dệt chiếu đổ về các phiên chợ đêm này từ các xã An Dục, An Tràng, An Vũ, An Quý… Còn cái lái buôn thì ngoài dân Thái Bình còn có cả thương lái chiếu từ Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng…

Chợ chiếu âm phủ Đồng Bằng nhóm 6 phiên mỗi tháng. Giữa các phiên chợ, người thợ tranh thủ dệt cho được vài ba đôi chiếu mới. Chính vì thế, mỗi khi phiên chợ bắt đầu, khi các lá chiếu mới được mở ra là mùi cói, đay đặc trưng Quỳnh Phụ cứ lan tỏa cả một khoảng không.


< Người bán dựng chiếu đứng, xếp thành những hàng thẳng, để lối đi ở giữa chờ người mua tới xem chiếu.

Điểm đặc biệt của chợ chiếu Đồng Bằng là chỉ mua bán trực tiếp giữa người dệt và người mua. Và chợ chiếu cũng chỉ bán duy nhất mặt hàng là cói và chiếu mộc dệt tay bằng cói và đay. Đay được trồng lấy vỏ, cói được cắt lên từ ruộng nước ngọt. Tất cả các giai đoạn phơi, làm cói, dệt, kết, ghim, làm trắng… đều được người thợ chọn lựa và làm kỹ càng, tỉ mỉ. Chiếu đẹp là chiếu bóng, trắng, cứng, dày và đều tay. Chiếu trắng được mua về phải qua thêm công đoạn phơi hấp và in ấn.

< Chiếu đẹp là chiếu dày, bóng, trắng cỏ (cói), cứng chiếu, dệt đều tay. Còn chiếu xấu thường dệt mỏng, ít cỏ và xanh, tùy theo đó mà định giá, có chiếu đẹp được bán với giá vài trăm, chiếu xấu vài chục cũng có.


Chiếu cói Quỳnh Phụ khi nằm cho cảm giát mát, êm mà không lạnh. Chính vì thế, khi lái buôn đi mua chiếu cói, họ thường phải săm soi và sờ để cảm nhận độ êm của chiếu. Tuy nhiên, theo ông Lớn, người dân nơi đây chủ yếu dao dịch dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

“Nếu người bán chiếu cố tình lừa thì người mua cũng không thể phát hiện được bởi có soi thì cũng chỉ biết phần nào thôi. Chủ yếu là thật thà với nhau. Tức người bán cũng thật mà người mua cũng thật”.


< Những tay buôn chiếu đến từ khắp mọi nơi, sau khi mua chiếu trắng về còn phải đem nhuộm màu, hấp, phơi nắng…


Người Quỳnh Phụ ăn nói nhiệt tình, quý khách và thật thà. Họ gọi khách bằng “mình”, xưng “tôi” đầy thân thiện, tử tế và mộc mạc như những lá chiếu trắng. Tại những phiên chợ chiếu, âm thanh buôn bán náo nhiệt có thể ồn ào, có thể lộn xộn, có thể chèo kéo nhưng luôn niềm nở và tràn ngập tiếng cười.
“Đi chợ chiếu thì có buồn ngủ cũng không được vì lúc ấy thì rất vui và say mê buôn bán. Thêm nửa, lúc ấy đèn pin soi chói lọi thì làm sao mà ngủ được”, ông Lớn vừa cười vừa chia sẻ.


< Tiền thu nhập từ nghề chiếu cũng là nguồn lợi đáng kể của người dân quê lúa lúc nông nhàn.

Như bất cứ một phiên chợ nào, chợ chiếu Đồng Bằng chủ yếu ồn ào vì người mua ngã giá. Trung bình, một người thợ giỏi dệt được hai lá chiếu mỗi ngày, có giá dao động ở khoảng 200 ngàn đồng, tùy vào sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ. Người dệt khéo còn có thể dệt cả hoa văn trên lá chiếu trắng. Trừ tiền đay, cói, người thợ có thể mang về phân nửa số tiền bán chiếu.

< Dụng cụ chiếu sáng chính ở đây là đèn pin. Khách hàng dùng đèn để kiểm tra chiếu...

Phiên chợ là lúc người bán có thể tiêu thụ sản phẩm của mình để kiếm chút vốn liếng mua vật liệu cho lần dệt tới. Đó cũng là lúc người dệt có thể chọn mua cho mình những bó cói đẹp. Và đó cũng là lúc những người đi chợ có thể trao duyên gởi tình. Đã có không ít cặp đôi bén duyên với nhau nhờ phiên chợ chiếu về đêm đặc biệt này. Dệt chiếu, bán chiếu là nghề truyền thống của nhiều xã trong huyện Quỳnh Phụ. Cho nên bất kể vào mùa nào, chợ chiếu Đồng Bằng cứ đúng hẹn lại lên.

Mấy tiếng đồng hồ chóng vánh trôi đi, đến hơn 3h sáng chợ vãn dần. Những người bán chiếu xong, mua thêm một vài cân đay vội vã về nhà tranh thủ ngủ bù để sáng thức dậy lo tiếp chuyện ngày mai. Trong chợ chỉ còn lại những người mua vừa nhẫn nại bê từng cặp chiếu chất đống lên xe vừa hỏi nhau hôm nay mua được nhiều hàng không...

Được biết, chợ "âm phủ" không chỉ là tên gọi của riêng chợ chiếu Đồng Bằng mà nó còn được đặt cho chợ An Tràng và chợ An Dục, cũng họp vào nửa đêm và cũng bán những mặt hàng như vậy. Các chợ này họp theo phiên, cách nhau 5 ngày. Nếu chợ Đồng Bằng họp vào ngày 4, ngày 9 thì chợ An Dục họp vào ngày 2, ngày 7, chợ An Tràng họp vào ngày 1, ngày 6 âm lịch). Thực tế, chiếu cói ở những vùng này từ bao đời nay nổi tiếng bền đẹp, được khách nhiều nơi ưa chuộng.

< Theo nhiều người dân, ban ngày do công việc quá bận rộn nên phải mở chợ đêm để bán.

Chợ đêm hình thành chính là đầu mối thu gom chiếu xuất bán đi khắp cả nước. Ngày nay, cho dù có nhiều loại chiếu trúc, chiếu nhựa, chiếu dệt bằng máy ra đời, nhưng nhiều người vẫn ưa dùng chiếu cói dệt bằng sợi đay bởi nằm mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Cũng chính vì lý do ấy mà trải qua những thăng trầm của thời gian, biến động của làng nghề, chợ chiếu "âm phủ" vẫn tồn tại và nó thực sự trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá độc đáo, ăn sâu vào tiềm thức, không thể thiếu được của người dân quê lúa Thái Bình.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Soha, Rfi, web Thái Bình...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến