Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Ngày nay, nhắc đến Cù Lao Chàm, bên cạnh các loại mực một nắng, cá khô… người ta không thể không nhắc đến bánh ít lá gai. Mỗi ngày, từng gói bánh bọc cẩn thận trong tờ báo cũ theo tay du khách đi khắp mọi miền.

< Thơm ngon những chiếc bánh ít Cù Lao Chàm.

Cách trung tâm phố cổ Hội An (Quảng Nam) khoảng 25 hải lý, đảo Cù Lao Chàm vẫn còn giữ được vẻ hiền hòa, thuần khiết. Đặc biệt cư dân nơi đây còn giữ nếp nghề truyền thống gói bánh ít lá gai dẫu đã trải qua bao thăng trầm.

Thuở ban đầu, bánh ít lá gai Cù Lao Chàm chỉ xuất hiện trong dịp lễ, tết truyền thống. Nhưng nhờ hương vị  thơm ngon, bánh ít Cù Lao Chàm thành thương hiệu riêng, nổi tiếng. Và không biết tự bao giờ, tấm bánh ít quà quê nơi đảo nhỏ đã trở thành hương vị khó quên với nhiều du khách ghé thăm.

Để cho ra đời một chiếc bánh ít lá gai ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo và tỉ mỉ. Riêng tại vùng đảo Cù Lao Chàm quy trình làm bánh rất riêng, khó có thể nhầm lẫn.

Đầu tiên chọn loại lá gai tươi. Người nấu bánh phải vào tận rừng trên đảo để tìm bằng được những gùi lá gai xanh đậm. Lá đem về xé làm hai, tước bỏ xơ, sống lá, rửa sạch, luộc cho lá mềm nhừ rồi vớt ra để nguội, vẩy cho thật ráo nước. Cho vào cối hoặc máy nghiền từng ít một, giã cho lá nhuyễn mịn.

Công đoạn tiếp theo là quết bột bằng cách trộn đều bột nếp (loại bột nếp lúa mới, vừa thơm vừa dẻo) sau đó quết hỗn hợp bột với lá gai đã giã mịn. Khâu quết bột quyết định bánh có ngon hay không. Phải quết thật kỹ, nếu không hỗn hợp bột sẽ bị lợn cợn làm bánh không mịn. Sau khi quết, trộn đều nước đường tỉ lệ vừa ăn với hỗn hợp bột và lá gai, nhồi kỹ lần nữa cho thật mịn bóng.

Riêng phần nhân bánh làm bằng đậu xanh được hấp chín, giã nhuyễn mịn trộn với ít đường. Tuy nhiên, để có được chiếc bánh ít “đặc hạng” như ở vùng đảo Cù Lao Chàm, phần nhân bánh không chỉ thuần túy làm bằng đậu xanh mà còn trộn chung với dừa nạo sợi trụng qua nước sôi để ráo và không quên nhỏ thêm vài giọt dầu hoa bưởi.

Cuối cùng là gói và mang bánh đi hấp. Người ta chọn lá gói bánh ít là lá chuối chát (chuối hột), không dùng lá chuối khác. Người gói bánh phải đảm bảo bánh gói cho nhanh, cho khéo. Từng cục bột được dàn mỏng, cho nhân vào, vo tròn. Lót từ hai đến ba miếng lá chuối xếp mí lên nhau, thoa lên mặt lá trong cùng ít dầu ăn rồi đặt viên bánh vào giữa. Chỉ cần vài ba động tác khéo léo từ đôi bàn tay người thợ là đã có những chiếc bánh ít lá gai hình tam giác, hình tháp xinh xắn.

Bánh gói xong mang đi hấp cách thủy trong nồi nước sôi để lửa lớn. Khâu hấp bánh tưởng đơn giản nhưng cũng khá kỳ công và quyết định chất lượng bánh. Bánh phải xếp thưa, không quá hai chồng để dễ chín đều. Hấp đúng 30 phút sau khi nước sôi là được. Nhanh tay lấy bánh ra, để chỗ thoáng gió cho lá mau ráo.

Không khoe mùi tỏa hương như bánh ram, bánh khoai…, chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa người ta mới thật sự ngỡ ngàng, lớp vỏ mỏng với sắc xanh sẫm bình dị, bao lấy khối nhân bóng vàng bên trong.

Từ lâu, bánh ít lá gai là niềm tự hào của người dân nơi phố cổ Hội An. Người con xa quê trên mỗi bước đường cứ nhớ hoài mùi hương gạo nếp, hương lá gai phảng phất trong từng chiếc bánh ít nhỏ nhắn. Mỗi du khách khi đến Hội An cũng tìm đường vượt sóng đến được đảo Cù Lao Chàm để tha hồ thưởng thức những chiếc bánh ít hay tận mắt chứng kiến cách làm bánh rồi mua về làm quà cho người thân.

Du lịch, GO! - Theo Thanh Ly (TTO)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến