Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Chuyện thầy cô ở “vương quốc La Chí” giữa rừng thẳm.

Những ngày này, giáo viên, học sinh, những người làm trong ngành giáo dục đang nô nức với ngày Nhà giáo Việt Nam. Học trò, thầy cô hân hoan trong ngày vui, với cờ hoa rực rỡ, những lời chúc tụng. Đây đó có phong trào nói không với phong bì, vì ngày này, không ít cha mẹ học sinh đem lương tâm thầy cô ra định giá.

Nhưng, có vô vàn những vùng đất tôi qua, vào những ngày này, chẳng có hoa, chẳng có phong bì, không có nốt những lời chúc tụng. Tôi chợt nhớ lại, cái lần chinh phục thất bại đỉnh Tây Côn Lĩnh, “nóc nhà Đông Bắc” của Việt Nam, cách đây chưa lâu. Trời mưa. Đường trơn. Gió như bão và lạnh buốt.

< Chào cờ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam ở trường THCS Pờ Ly Ngài trên dãy Tây Côn Lĩnh.

Không khí ngày Nhà giáo Việt Nam chỉ là lá cờ Tổ quốc đỏ thắm bay phần phật trước cổng trường vẹo vọ. Trong lớp học trình đất tường nứt loang lổ, chỉ có 5 học trò La Chí ngồi co ro hát vang bài dân ca Nùng: “Quê hương em biết bao tươi đẹp/ Đồng lúa xanh núi rừng ngàn cây/ Khi mùa xuân thắm tươi đang trở về/ Ngàn lời ca tưng bừng chào đón/ Thiết tha tình quê hương”.

Tôi ngồi trong ngôi nhà trình đất của cô giáo Nhung và cô giáo Hiệp trên đỉnh Lủng Cẩu (Bản Phùng), nghe tiếng hát của cô trò nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, mà rơi nước mắt. Tình thầy trò nơi thâm sơn cùng cốc này trong sáng như những vì sao.

Con đường từ thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì, Hà Giang) vào xã Bản Phùng giờ đã được ủi rộng để khách du lịch tìm đến chiêm ngưỡng ruộng bậc thang, nhưng mấy năm trước thì như đường lên trời. Đường nhỏ, dốc ngược, đoạn đá hộc lổn nhổn, đoạn bùn lầy ngập bánh xe, vực sâu hun hút. Tôi đi xe máy mà từ sáng sớm đến chập tối mới vào đến trung tâm xã Bản Phùng.

< Thầy cô dạy học trên tận đỉnh Lủng Cẩu mờ sương.

Mấy ngày ở trung tâm huyện, tôi được nghe các cán bộ kể rằng, vừa hôm trước, một thầy giáo vào Bản Phùng dạy học, xe bò từng mét, nhưng do đường lầy lội, trơn chuồi chuỗi, nên xe và người cứ trượt dần, rồi rơi xuống vực thẳm. Chiếc xe máy bẹp dúm dưới suối. Thầy giáo may mắn mắc vào cành cây, nhưng cũng phải nằm bất động trong bệnh viện dưới Hà Nội với đinh vít đóng kín từ đầu đến chân.

Bản Phùng là xã duy nhất có 100% người La Chí. Dân tộc La Chí chỉ có tổng cộng 8.000 người, sống tập trung ở xã Bản Phùng và rải rác vài bản ở huyện Xín Mần. Chính vì thế, Bản Phùng được coi là “Vương quốc của người La Chí”.


< Miếu thờ "vua" Gia Long tại xã Bản Díu (Xín Mần).

Tôi đã lùng sục các tài liệu về người La Chí, song dường như rất ít thông tin. Từ nhiều thế kỷ nay, người La Chí vẫn sống hoang dại, kín đáo giữa rừng già với những tập tục rất cổ xưa. Ngay cả chuyện tại vùng đất này có một ông “vua” của người La Chí mà đồng bào gọi là “vua” Gia Long (không phải vua Gia Long thời Nguyễn), mà không nhà khoa học nào biết.

Kể cả chính quyền địa phương cũng không nắm được thông tin gì về ông “vua” này, giống như kiểu “vua Mông” Vương Chí Sình bên Đồng Văn.


< Bàn thờ "vua" La Chí.

Những thợ săn La Chí lão luyện đã mở đường dẫn tôi đi bộ suốt một ngày mới lên đến đỉnh núi Gia Long (đồng bào lấy tên vị “vua” của mình để đặt tên cho núi) cao hơn 2.000m, lẫn trong mây mờ, để tận mắt những bức tường đổ nát, bờ đá, mộ “vua”, nền “cung điện” đã bị tàn phá, giờ rêu phong bởi thời gian hàng thế kỷ.

Người La Chí không nhớ mặt mũi vị “vua” của mình ra sao, sống ở thế kỷ nào, nhưng hàng năm, cứ đến ngày Tết, họ lại dắt trâu vào ngôi đền thờ giữa rừng cấm để làm giỗ “vua”. Sau khi cúng bái dâng trâu cho “vua”, cầu mùa màng tươi tốt, cuộc sống an bình, họ làm lễ đâm trâu, rồi lọc lấy bộ xương sọ gác lên đền thờ.

Trong ngôi đền thiêng thờ “vua” Gia Long giữa rừng cấm, tôi thấy có đến mấy chục bộ sọ trâu trắng lốp, có chiếc còn mới, có chiếc đã mục nát, thủng lỗ rỗ, rụng cả sừng.

Đứng trên đỉnh núi Gia Long nhìn khắp dãy Tây Côn Lĩnh, thấy rừng rú hoang rậm mênh mông. Những bản làng La Chí chìm nghỉm trong đại ngàn. Người La Chí không có thói quen đốt rừng làm nương, không xẻ gỗ đem bán. Với họ, rừng là nơi tổ tiên và thần linh trú ngụ, để hàng ngày nghị sự, tìm cách giúp đỡ đồng bào. Chính vì thế, rừng nơi đây không những không bị xâm phạm mà còn được bảo vệ theo những tín ngưỡng thiêng liêng huyền bí.

Bao đời nay, công dân ở “Vương quốc La Chí” này không giao du với bên ngoài. Họ cấy lúa để ăn, nuôi trâu để thịt, đem cung tên vào rừng săn bắn. Họ sống hoang dại như bầy thú giữa đại ngàn. Cho đến một ngày, những thầy cô giáo miền xuôi xuất hiện, con chữ “trèo” lên đỉnh núi, trẻ em La Chí đã biết bi bô đọc sách, ý nghĩ của họ đã vượt ra khỏi rừng già…

< Điểm trường Lủng Cẩu với cổng chào thế này.

Trường Bản Phùng nằm tơ hơ giữa trời. Bọn trẻ La Chí đến trường vừa đi vừa nắm chặt tay nhau kẻo gió lớn thổi bay xuống vực. Thời tiết, khí hậu trên sống núi Tây Côn Lĩnh này vô cùng khắc nghiệt. Mùa đông tuyết ngập trắng trời, sương muối lạnh tê tái.

Mùa hè, khi dưới xuôi nóng nực, thì trên này vẫn lạnh, gió thổi như bão suốt ngày đêm. Gió to và lạnh đến nỗi đôi gà trống mái thầy giáo Hoàng Văn Thăng mang lên không chịu ra ngoài giãi đất tìm mồi, mà cứ chui vào gầm giường ngủ.

Thầy Thăng bảo, muốn biết gió Tây Côn Lĩnh khủng khiếp thế nào, phải ngủ một tối cùng các giáo viên. Còn chỗ nào ngủ nữa đâu mà chẳng ngủ nhờ các thầy cô giáo.

< Bữa ăn của mấy chục học sinh chỉ có miếng bí.

Gió lớn, quanh năm lạnh tê tái, nên người La Chí nơi đây phải dựng nhà sàn trong những khe núi kín gió. Trụ sở các cơ quan của xã thì làm bằng tường trình đất dày cả mét. Chỉ có những ngôi nhà như lô cốt ấy mới giữ được hơi ấm và chịu được gió mạnh.

Thế nhưng, nhà ở dành cho giáo viên lại là dãy nhà gỗ, liếp tre, lợp phi-brô-ximăng. Để ngăn gió, các giáo viên đã giăng mấy lớp bạt, bọc kín cả trong lẫn ngoài. Mặc dù nhà cửa được bịt kín như vậy, song gió lạnh vẫn lùa vào mang theo hơi nước lạnh tê tái.

Gió thổi càng về khuya càng mạnh, giật liếp, bạt phần phật, khiến dãy nhà gỗ cứ xiêu bên nọ, vẹo bên kia. Gió quật đến gần sáng thì thổi bay mái gian ngoài cùng xuống thung lũng. Tôi và các thầy cô cùng chui xuống gầm bàn quấn chăn cho đỡ lạnh ngồi chờ trời sáng. Sớm hôm sau, khi còn tờ mờ, các thầy giáo đã hò dô kéo thừng cho căn nhà gỗ đứng thẳng lên.

< Gió Tây Côn Lĩnh thổi bay mất mái căn phòng tôi và các thầy đang giáo ngủ.

Từ trung tâm xã Bản Phùng, tôi phải cuốc bộ liên tục nửa ngày mới đến điểm trường Lủng Cẩu. Điểm trường gồm 2 “lô cốt” đối diện nhau, tường trình đất dày cả mét, cửa rả xộc xệch.

Một “lô cốt” là lớp học, một để giáo viên ở. Giữa sân, lá cờ Tổ quốc đỏ tươi bay phần phật trong gió. Tuy nhiên, nhìn ngang ngó dọc mãi mà chẳng thấy học sinh và giáo viên đâu. Tôi vào một nhà dân gần đó hỏi, nhưng họ không nói được tiếng Kinh, nên vào nhà giáo viên ngồi chờ.

Đến 2 giờ chiều thì thấy thầy giáo Vũ Ngọc Lâm và cô giáo Hoàng Thị Hiệp cùng 5 em học sinh đi ra khỏi rừng vào lớp học. Cô Hiệp bảo: “Khổ lắm anh ạ! Sáng nay trời mưa, gió mạnh, các em đều tự ý nghỉ học hết. Bọn em lại phải đến nhà động viên các em đến lớp đấy. Các em ở đây không biết tiếng phổ thông, nên thầy cô phải học tiếng La Chí, rồi dạy các em tiếng Kinh. Thầy trò đều phải học nhiều gấp đôi ở miền xuôi mới mong hoàn thành được chương trình, nên không thể để các em nghỉ học tùy tiện được”.

< Nhà ở của thầy cô ở xã Bản Phùng.

Khi cô Hiệp đang đứng lớp dạy các em bi bô đọc bài, thì cô giáo Trương Thị Nhung lếch thếch đi về, đôi mắt đỏ hoe. Thấy lạ, tôi hỏi, thì ra lớp học ở điểm trường Phủng Cá bên kia sườn núi của cô giáo Nhung vừa bị bão núi thổi bay mất tường liếp. Gió mạnh đến nỗi cuốn hết bàn ghế ném xuống thung lũng. Cô giáo Nhung cuốc bộ gần 2 giờ đồng hồ mới đến được điểm trường, nhưng trường lớp tan hoang, học sinh chẳng thấy em nào, nên lại quay về, tủi thân ngồi khóc.

Tôi đã cùng cô Nhung tiếp tục cuốc bộ ngược núi, xuyên rừng tìm đến điểm trường thuộc bản Phủng Cá, bản xa và sâu nhất trong “Vương quốc La Chí”. Điểm trường nằm bên sườn núi, tơ hơ giữa trời, xung quanh là nghĩa địa của người La Chí với những chiếc sọ trâu trắng lốp treo lủng lẳng trên những chiếc cọc tre.

< Cô Hiệp và lớp học chỉ có 5 học sinh trên đỉnh Lủng Cẩu.

Người La Chí làm tang ma vô cùng tốn kém. Hễ có người chết, mỗi người con phải góp một con trâu để cúng ma cho cha mẹ. Rồi đến ngày giỗ, họ lại mổ trâu để chia phần cho người chết. Những chiếc sọ trâu được treo trên mộ càng nhiều thì càng chứng tỏ được lòng hiếu thảo. Đi qua khu nghĩa địa, tôi thấy lạnh cả cả sống lưng.

Nói là lớp học, chứ thực ra nó giống cái chuồng trâu hơn. Đó là một ngôi nhà ghép tạm bằng gỗ, lợp phi-brô-ximăng, tường đan bằng vầu và phủ bạt chắn gió. Điều lạ là lớp học không có cửa ra vào. Học sinh và cô giáo phải trèo qua mấy thanh gỗ chắn ngang mới vào được lớp.


< Món quà lớn nhất của cô giáo Hiệp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam là cả 5 em đến lớp đầy đủ.

Cô Nhung bảo, mùa đông, gió lùa lạnh thấu xương, tuyết trắng bay cả vào trong lớp, nên những em không có áo ấm đều nghỉ học. Sang hè, trời bớt lạnh, nhưng gió lớn thường xuyên thổi tung bạt, bóc hết cả tường liếp ném xuống thung lũng.

Mùa mưa thì mưa suốt ngày đêm nên lớp học của cô luôn ngập nước. Nhiều khi mưa to gió lớn, nước ngập làm lầy lội nền nhà, cô trò phải xếp bàn lại một góc rồi trèo lên bàn ngồi khoanh tròn học bài.

Ngớt mưa, cô Nhung lõm bõm lội nước dạy học, các em cũng dầm chân trong bùn lầy học chữ. Giờ gió thổi tung tường liếp, bay cả bàn ghế, bảng viết xuống thung lũng, nên các em đã tự ý bỏ học. Cô Nhung lại phải nhờ lãnh đạo xã dựng lại trường, rồi luồn rừng cuốc bộ đến nhà từng em động viên các em trở lại lớp.

Còn tiếp Phần 2

Du lịch, GO! Theo Phạm Ngọc Dương (VTCnew), internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến