Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Những phát hiện mới đây của các nhà nghiên cứu khẳng định người Tà Mun là một dân tộc tách bạch hoàn toàn độc lập với người S’ Tiêng.

< Cộng đồng người Tà Mun.

Mặc dù còn nhiều tranh cái nhưng các công trình nghiên cứu về người Tà Mun nhấn mạnh đến nhiều nét văn hóa độc đáo có bản sắc riêng của dân tộc này. Nếu được công nhận chính thức, thì người Tà Mun chính thức trở thành dân tộc thứ 55 trong cộng đồng các dân tộc anh em.

Theo UBND  tỉnh Bình Phước và Tây Ninh công bố mới đây thì người Tà Mun của 2 tỉnh này còn khoảng gần 3.000 người. Tại tỉnh Bình Phước hiện có 234 hộ, 1.143 khẩu người Tà Mun sinh sống chủ yếu ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản.  Còn tại Tây Ninh có khoảng 1.680 người Tà Mun cư trú, trung chủ yếu ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Thị xã Tây Ninh.

< Già làng Lâm Bế kể lại ký ức về những ngày di cư từ sóc Năm về Tây Ninh.

Theo những trưởng lão (người có vai trò như già làng của các dân tộc ít người khác) của người Tà Mun thì tộc người này di cư xuống các vùng đồng bằng của Tây Ninh và Bình Phước từ rừng già tron dãy Trường Sơn.

Vì cuộc mưu sinh, bà con dân tộc Tà Mun đã chuyển dần về phía Nam phá rừng làm rẫy và định cư ở xã Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh và xã Suối Đá huyện Dương Minh Châu từ những năm 30 của thế kỷ trước. Sau giải phóng 30.4.1975, một bộ phận cũng vì mưu sinh đã chuyển lên vùng đất mới thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu và hai xã Tân Bình, Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh.

Theo tác giả La Ngạc Thụy trong công trình “Dân tộc Tà Mun ở Tây Ninh: Trước nguy cơ bị mai một” thì người Tà Mun có những phong tục riêng và giữ được sự độc đáo ấy đến tận ngày nay. Theo tác giả La Ngạc Thụy tục “Cưới chồng” là nét văn hoá đặc trưng nhất của người Tà Mun. Điều khác biệt trong phong tục này là có ông mai bên nhà trai sang nhà gái dạm hỏi trước (Hanh-Lip-Xana), nhưng do bên nhà gái tổ chức rước rể (Hanh num-Kon Klô Xua) hay (Chun Kon Klô). Khi đưa chàng rể qua nhà gái, đàng trai sẽ hát múa những bài hát đưa rể gọi là Xavên-Keo Kôc. Theo già làng Lâm Sanh thì bài bản hát múa này hầu như đã thất lạc, thất truyền.


< Mọi người cùng chúc Tết người Tà Mun tại nhà Chủ tịch Hội đồng già làng Lâm Tăng.

Do dân số quá ít và trải qua nhiều biến động, nhất là cuộc sống cộng cư nên họ dễ dàng hoà nhập với nền văn minh dân tộc Việt. Các làn điệu dân ca nguyên thuỷ ngày càng hiếm, mai một dần đi. Đa số làn điệu hiện nay ảnh hưởng các làn điệu, bài bản của người Khmer. Cụ thể như một số bài bản trong các nghi lễ “chong têi” (chông ti-pia-am hôi) hay “gơ ốp-puut” (lễ cột chỉ, dâng trầu cau ra mắt) và một số làn điệu hát ru… Về bài bản dân ca truyền thống có ba thể loại: hát nghi lễ, hát ru và hát sinh hoạt giao duyên qua lao động sản xuất.

Độc đáo đến bất ngờ

Trong các thể loại thì hát sinh hoạt là thể loại phong phú nhất với nhiều bài hát đơn giản, mộc mạc nhưng cũng có bài khá độc đáo đến bất ngờ. Ví dụ như bài hát “Miec-không”:“Chim ơi! Chim bay nhiều chỗ /Có thấy anh ở đâu không?/Sáng hôm qua bên dòng suối này /Suối in hình hai bóng!..."Hay như bài “Nhân-xdi-nhân”:"… Mặt trời đã xuống núi, ta về thôi! /Ta thương nhau hết tình /Ban ngày có mặt trời, ta thấy nhau /Mặt trời xuống, tối ta không thấy bụng nhau…."

Về phong tục thì tục “cưới chồng” là nét văn hoá đặc trưng của họ. Điều khác biệt trong phong tục này là có ông mai bên nhà trai sang nhà gái dạm hỏi trước (Hanh-Lip-Xana), nhưng do bên nhà gái tổ chức rước rể (Hanh num-Kon Klô Xua) hay (Chun Kon Klô). Khi đưa chàng rể qua nhà gái, đàng trai sẽ hát múa những bài hát đưa rể gọi là Xavên-Keo Kôc. Theo già làng Lâm Sanh thì bài bản hát múa này hầu như đã thất lạc, thất truyền.

Về tập quán tộc người Tà-mun có các lễ hội như lễ cầu mưa, lễ gieo hạt, lễ cúng cơm mới, lễ bỏ mả … hiện nay, họ chỉ còn giữ lại lễ cúng cơm mới, bởi lẽ đây chính là ngày Tết Sa-uôn-kô Kha-môn, Tết cổ truyền của dân tộc họ, diễn ra vào cuối tháng Tám, đầu tháng Chín âm lịch. Tục này có nhiều nét giống với Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền của dân tộc Việt diễn ra vào thời điểm sau khi thu hoạch vụ lúa mùa.

Bà con dân tộc Tà-mun thuở còn sống du canh, du cư có 2 loại giống lúa hết sức độc đáo tên gọi T’rô và Sau-sơ-ra. Đây là các giống lúa rẫy, nay đã mất giống, có thời gian sinh trưởng từ đầu mùa mưa đến cuối tháng tám âm lịch thì chín rộ. Độc đáo ở chỗ là khi lúa mới chín vàng mơ, bà con đã kéo nhau ra rẫy để thu hoạch, bởi nếu để lúa chín tới thóc sẽ rụng hết. Họ đeo gùi trên lưng, dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi, mang về nhà chứa vào củi, vào bồ.

< Một gia đình người Tà Mun.

Một nét độc đáo khác là khi nấu cơm, họ mang lúa ra luộc cho chín rồi mới mang ra phơi cho khô, sau đó mới dùng chày giả thành gạo, cơm mới dẻo và ngon. Sau khi thu hoạch xong, họ tổ chức cúng thần linh đã phù hộ cho mưa thuận gió hoà để họ được một mùa vụ bội thu gọi là lễ rước nước. Bởi họ quan niệm nhờ nước trời mưa lúa mới sinh trưởng tốt tươi. Họ dùng chính lúa mới thu hoạch làm lễ cúng nên còn gọi là lễ cúng cơm mới.

Theo tập tục, mọi người cùng mặc áo váy mới, cùng đóng góp lúa nếp, heo, gà, vịt … cho làng để tổ chức cúng ông bà chung vào đêm cuối tháng tám, sau đó mới trở về nhà cúng rước ông bà riêng của từng nhà. Các ngày mùng một, mùng hai, mùng ba tháng chín âm lịch, sáng sớm họ cúng ông bà rồi mới đi chúc thọ lẫn nhau, rồi cùng nhảy múa, ca hát...

Phụ nữ thì sặc sỡ trong các bộ áo váy, trẻ con thì xúng xính áo quần đủ kiểu dáng riêng của dân tộc, đàn ông cũng đóng khố, áo cộc tay nhiều màu sắc. Riêng trong lễ hội cúng cơm mới, sáng sớm ngày cuối tháng tám, bà con tập trung tại nhà già làng cùng kết các cành cây trái và những nhánh hoa tươi do chính họ trồng trong vườn nhà thành một cây hoa trái lớn. Hai cô gái mặc áo váy mới, sặc sỡ cùng khiêng cây hoa trái đi trước, mọi người vừa mang lễ vật, vừa múa hát kéo thành đoàn đi phía sau, gọi là lễ rước bóng, đến cây cổ thụ lớn nhất trong làng bày ra cúng.

< Bữa cúng trong đám cưới người Tà Mun.

Tập tục này phát xuất từ quan niệm tổ tiên, ông bà sau khi chết đi không ở trong nhà mà ở lẫn khuất trên những tàng cây cổ thụ để trông nom vườn tược, hoa màu giúp con cháu, nên họ tổ chức cúng ông bà dưới bóng cây cổ thụ lớn nhất trong làng. Sau khi già làng làm các thủ tục cúng vái, mọi người cùng xúm quanh dưới bóng cây tiếp tục múa hát cho đến nửa đêm dưới ánh lửa bập bùng.

Anh Danh Khiêu đại diện người dân tộc than thở: “Do không có người chủ trì và cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn, mỗi lần tổ chức như thế rất tốn kém, bà con không kham nổi, nên chỉ tổ chức cúng riêng từng nhà”.Các già làng dân tộc Tà-mun hiện nay còn sống rất ít. Họ là kho tư liệu sống về văn hoá dân gian nhưng cũng quên dần vốn văn hoá cổ truyền của dân tộc. Thiết nghĩ những nét đặc thù của văn hoá dân tộc Tà-mun cũng góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hoá dân gian Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng

Du lịch, GO! - Theo Đình Tú (Datviet), internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến