Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Tam quan chùa Đức La - Vĩnh Nghiêm.
"Thứ nhất là chùa Đức La, thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng" - Chùa Đức La (hay còn được gọi là Vĩnh Nghiêm Tự) ngụ tại thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng; cách Thành phố Bắc Giang 23km về phía Đông Nam. Chùa toạ lạc trên một đối thấp phía sau núi Cô Tiên, nhìn ra ngã ba Phượng Nhỡn là nơi hợp lưu của sông Thương và sông Lục Nam, phía trước và sau chùa là dãy núi Nham Biền và Huyền Đinh án ngữ.

Chùa Đức La là trung tâm phật giáo lớn từ thời Trần, lịch sử của chùa Đức La gắn liền với vị vua Trần Nhân Tông, là nơi đào tạo các tăng ni phật tử trong cả nước. Chùa từng là nơi thuyết pháp của Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và là nơi đào tạo, định chức danh các tăng sĩ thời Trần.

Ca dao cổ có câu: Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm - Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành. Kiến trúc chùa ngày nay khá bề thế với diện tích khoảng 10.000 mét vuông gồm tam quan, chùa Hộ, nhà thiêu hương, chùa Phật, nhà tổ, gác chuông hai tầng mái và nhà trai.

Kiến trúc chính của chùa nằm trên một trục dọc, hướng đông nam gồm 4 khối lớn: Khối thứ nhất gồm 3 nếp chùa hộ, thiêu hương và chùa Phật liên kết với nhau trong một khối kiến trúc kiểu chữ công với thiết kế khang trang to lớn kiểu tàu đao lá mái với 4 đao cong, có 8 vì kèo, kiểu chồng rường, thượng tam hạ tứ, nghệ thuật đơn giản.

Khối kiến trúc thứ hai cũng làm theo kiểu chữ công nhưng thấp và nhỏ hơn gọi là nhà tổ đệ nhất có kiến trúc đơn giản nhưng vẫn còn dấu vết của trang trí thời Lê. Khối thứ ba là gác chuông cao 2 tầng mái và khối thứ tư là nhà tổ đệ nhị, kết cấu kiểu chuôi vồ.

Dù trải qua nhiều thế kỷ đầy biến động nhưng đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn là nơi tàng lưu một lượng di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam bao gồm: hệ thống tượng thờ gồm trên 100 pho, hệ thống văn bia (8 bia) cơ bản được soạn khắc ở giai đoạn Lê-Nguyễn (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX) ghi lại toàn bộ lịch sử phát triển của Phật giáo Vĩnh Nghiêm, hệ thống hoành phi-câu đối, đồ thờ…

< Mộc bản khắc kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm.

Đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật và những thư tịch khác do thiền sư Thiền phái Trúc Lâm tổ chức san khắc ở nhiều giai đoạn khác nhau gồm hai kệ lớn ván in Hoa Nghiêm kinh, Giới ni kinh, sa di kinh...

Di sản này không chỉ là báu vật của đất nước mà còn là tài sản văn hóa chung của nhân loại. Nội dung của kho mộc bản là chiếc chìa khóa vạn năng để nghiên cứu về nhiều mặt trong đời sống xã hội. Tiêu biểu có tư tưởng triết học, nhân văn của người phương Đông suốt từ những năm đầu thế kỷ XIII đến nay.

< Tượng cổ Tam Thế Phật.

Sách Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993) cho biết chùa có từ thời Lý, được xây dựng qui mô, sau bị binh hỏa đổ nát. Địch Vũ Hầu Nguyễn Thọ Cường hưng công tu sửa chùa vào năm 1606. Đến đầu thời Nguyễn, chùa lại được đại trùng tu: tượng Phật, tượng 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang cùng nhiều bức chạm khắc có giá trị nghệ thuật được sáng tác trong lần trùng tu này.

Hơn 7 thế kỷ trôi qua, chùa Đức La vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước. Nhiều kệ ván in kinh vẫn còn, là hiện vật minh chứng cho vai trò quan trọng của chùa, từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm. Đến nay chùa Đức La vẫn mãi là chốn tổ, là điểm cho du khách đến tham quan vãng cảnh, thắp hương lễ phật.

< Hát quan họ trước chùa.

Lễ hội chùa La được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu ở huyện Yên Dũng nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung. Lễ hội chùa La thu hút đông đảo khách thập phương về dự. Với những giá trị nổi bật đó, năm 1964 chùa Đức La được Nhà nước xếp hạng là di tích Lịch sử -Văn hoá cấp quốc gia.

Du lịch, GO! - Tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến