Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Một 'công trình thế kỷ' mới khánh thành, đang vẫy gọi du khách lên với Tây Bắc hôm nay là Đập thủy điện Sơn La trên địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Vào dịp nghỉ Tết dương lịch này, khách du lịch lên Tây Bắc khá nhiều. Dân phượt lại có dịp “Tây tiến” qua những địa danh quen thuộc như: Đèo Đá Trắng, thung lũng Mai Châu, cao nguyên Mộc Châu, sân bay Nà Sản, thị trấn Yên Châu, ngã ba Cò Nòi, thị trấn Ít Ong-Mường La, đập thủy điện Sơn La hay xa hơn nữa, về với lòng chảo Điện Biên, Mường Thanh, Nghĩa Lộ…

< Dân “phượt” với đèo Đá Trắng (Hòa Bình).

Giữa những ngày giá rét căm căm mà lòng vẫn hát:
“Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa
Suối sâu đèo cao, bao khó khăn vượt qua…”

Địa hình Tây Bắc hiểm trở, có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Dãy Hoàng Liên Sơn dài tới 180 km, rộng 30 km, với một số đỉnh núi cao trên từ 2800 đến 3000 m. Dãy núi Sông Mã dài 500 km, có những đỉnh cao trên 1800 m.

< Cầu Tạ Khoa và sông Đà đoạn qua huyện Bắc Yên (Sơn La).

Giữa hai dãy núi này là vùng đồi núi thấp của lưu vực sông Đà (còn gọi là địa máng sông Đà) tạo nên những cao nguyên thơ mộng và thung lũng yên bình. Ngoài Đà giang là sông lớn, Tây Bắc còn nhiều sông nhỏ và suối, bao gồm cả thượng lưu sông Mã.

Tây Bắc có khoảng 20 dân tộc sinh sống như Mường, Thái, Dao, Nùng, H'Mông... Trong đó, Thái là dân tộc đông dân nhất và có thể nói, Tây Bắc là không gian của văn hóa Thái với điệu múa xòe hoa nổi tiếng. Ai qua Tây Bắc khó có thể quên hình ảnh những thiếu nữ Thái da trắng mịn, xúng xính trong bộ váy áo và khăn piêu đội đầu…

Lễ khánh thành công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La hồi 23.12.2013 đánh dấu một quá trình gần thập kỷ dồn tâm, dồn lực xây dựng nhà máy và di dân tái định cư. Đập thủy điện Sơn La là “bậc thang thứ hai” của hệ thống 3 đập thủy điện trên sông Đà và cũng là công trình thủy điện có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Từ TP. Sơn La, để đến được với Nhà máy Thủy điện Sơn La phải vượt qua con dốc Cao Pha lừng lững như dải lụa lớn vắt ngang những sườn núi dưới nắng ấm của ngày mùa đông. Với tiếng Thái, Cao Pha nghĩa là dốc Trời. Trước khi xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, con dốc dài vài cây số này từng là nỗi khiếp sợ của những tay lái qua đây bởi độ gấp khúc, độ dốc, đường hẹp và lởm chởm ổ gà, ổ trâu.

< Toàn cảnh hạ lưu đập thủy điện Sơn La.

Ngày nay, con dốc đã được hạ bớt độ cao, mở rộng nền đường và trải thảm bê tông êm ái như lời chào mời, giới thiệu đầu tiên với du khách về tầm vóc của công trình Thuỷ điện Sơn La và những đóng góp lớn lao của công trình với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nhưng dốc Cao Pha hôm nay chỉ là một trong những mảnh ghép làm nên sự kỳ vĩ của công trình Thuỷ điện Sơn La. Trên dòng Đà Giang, con đập ngăn nước của nhà máy nối hai bờ sông Đà sừng sững như bức trường thành với các cửa xả đang tung dòng bọt nước trắng xoá.

Nhà máy thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng ngày 02/12/2005 và khánh thành vào ngày 23.12.2012, sớm hơn tiến độ kế hoạch 3 năm. Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia với công suất lắp đặt 2400 MW, gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW. Sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kWh, bằng 1/10 sản lượng điện của Việt Nam năm 2012.

< Cửa xả lũ của đập.

Đập thủy điện với cao độ đỉnh đập 228,1 m, dài 961,6 m, chiều rộng đáy đập 105 m, chiều rộng đỉnh đập 10 m. Hồ chứa nước có diện tích 224 km², dung tích 9,26 tỉ mét khối nước, thuộc một số xã, huyện của các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.

Ngoài nhiệm vụ chính thì thủy điện Sơn La sẽ chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mua khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Với dung tích hữu dụng gần 6 tỷ m³, thủy điện Sơn La sẽ góp phần quan trọng điều tiết dòng chảy khu vực hạ lưu, giúp chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp nước tưới cho khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ trong vụ đông xuân, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

< Tham quan 6 tổ máy.

Đặt chân lên bề mặt thân đập Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, giữa lồng lộng mây ngàn, gió núi, mênh mang sóng nước sông Đà, chợt nhớ lại những tháng ngày khởi công xây dựng nhà máy với bao vất vả, lo toan, bộn bề công việc.

Trên lưng chừng núi tả ngạn sông Đà, ngay trên nhà máy thuỷ điện, Đài tưởng niệm công trình Thuỷ điện Sơn La cũng đang bước vào hoàn thiện, vươn mình hiên ngang bên núi đá cao. Đó là nơi ghi công những con người đã đóng góp toàn bộ tâm sức của mình cho công trình Thuỷ điện thế kỷ Sơn La, góp phần trí tuệ, máu thịt của mình làm nên bản hùng ca trên dòng Đà Giang.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Dân Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến