Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Miếu Nổi nằm giữa mênh mông sông nước trên sông Vàm Thuật, đoạn chảy qua quận 12 và quận Gò Vấp (TP.HCM). Có mặt ở cù lao này gần 3 thế kỷ, không ai biết chính xác miếu Nổi được dựng lên từ năm nào. Câu chuyện về miếu Nổi chỉ còn lại những giai thoại, mà những thế hệ ông bà từng sinh sống ở đây kể lại cho con cháu mình nghe.

Ngôi miếu hiếm có

Cách đây 300 năm, khu vực quận Gò Vấp và quận 12 bây giờ chỉ là những cánh đồng bao la chạy dài theo con sông Vàm Thuật (xưa gọi là Bến Cát). Nổi lên giữa sông là một cồn đất nhỏ hình bàn chân, có diện tích khoảng 2.500 mét vuông.

Lúc đầu cù lao này bỏ hoang, chỉ là khu đất với cây dại mọc um tùm như bất kỳ một nơi nào của Sài Gòn - Gia Định thuở ấy.

Không có sử sách nào ghi chép lại ngôi miếu được tạo dựng từ năm nào. Những người già sinh ra ở khu vực này cũng không biết chính xác năm nó ra đời. Tương truyền, vào thế kỷ 18, một người đàn ông chài lưới trên đoạn sông này đã chài phải xác chết của một người phụ nữ. Ông đem chôn cái xác lên cù lao này. Nhờ đó mà cuộc sống sông nước của ông khấm khá hơn.

Tiếng lành đồn xa, những ngư dân khác cũng theo nhau tới thắp hương, cầu phúc trước ngôi mộ mỗi đêm giăng lưới với hi vọng sẽ có nhiều tôm cá, thuyền ghe thuận lợi đi về. Dần dà, không chỉ những ngư dân chài lưới quanh khúc sông Vàm Thuật mà những chủ ghe thuyền buôn bán qua đây cũng nán lại thắp hương, dâng lễ.

Các cụ bô lão trong vùng bèn tập hợp con cháu, góp công của xây dựng ngôi miếu to hơn, đề phòng những lúc nước to, lũ lớn.

Một truyền thuyết khác lại kể rằng, cách đây gần hai trăm năm, một ngư phủ quăng lưới đánh cá trên dòng sông Bến Cát (thuộc xã Hạnh Thông, tổng Bình Trị Thượng huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định, nay thuộc TP.HCM) đã vớt được một pho tượng mà lúc ấy người ta cho rằng đó là tượng Bà Thủy Tề. Từ đó, ngôi miếu thờ Bà được dân chúng trong vùng lập nên trên cù lao bỏ hoang để cầu cho mưa thuận gió hòa, thuyền bè đi về bình an. Nhưng theo ông Lê Hữu Phước - thành viên Ban quản lý miếu Nổi thì ở cù lao miếu Nổi này không chôn xác ai cả. Ông chỉ nghe những người già kể lại rằng ngôi miếu được dựng từ thời vua Gia Long. Nghĩa là trong khoảng thế kỷ 18 hoặc đầu thế kỷ 19.

Trong thời kỳ này, giao thông đường thủy là loại giao thông rất phổ biến. Sông Vàm Cỏ là nơi qua lại thường xuyên của các loại tàu thuyền. Những nhà buôn người Hoa khi đi qua khúc sông, thường ghé nghỉ đêm lại trên cù lao bỏ hoang này.

Sau những lần như vậy, họ thường thấy những hiện tượng lạ xuất hiện vào những đêm ngủ tại đây. Vì vậy, các nhà buôn đường thủy đã cùng với các bô lão sống trong vùng lập nên một cái miếu, để cầu mong thuận buồm xuôi gió, thượng lộ bình an.

Ban đầu, chỉ là ngôi miếu nhỏ bằng tre và lá dừa. Theo thời gian, những nhà buôn ghé lại sửa sang mãi nên ngôi miếu cứ rộng ra thêm. Do địa hình khá đặc biệt, nên người dân thường gọi tên là miếu Nổi. Muốn qua miếu phải đi đò. Nhưng thực ra, miếu còn có một tên gọi khác do người Hoa đặt là miếu Phù Châu. Trước năm 1975, miếu là một điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định. Sau năm 1975, miếu gần như bị bỏ hoang, không người coi giữ và sửa sang.

Mãi cho đến năm 1989, một người Hoa tên Lục Câu sống tại địa phương đứng ra bỏ tiền và phát động mọi người sửa sang, khôi phục lại hoạt động của miếu. Ông Lục Câu, trưởng ban Quản lý miếu ngày nay, đã tự tay phác thảo và thực hiện tu sửa, đắp các hình tượng tại miếu. Đến nay, sau nhiều lần trùng tu, Phù Châu miếu đã trở thành một ngôi miếu khang trang, kiến trúc đặc sắc với nét văn hóa Việt - Hoa, là một trong những địa điểm tham quan, dâng hương của nhiều người.

Thế giới của rồng

Điều dễ dàng nhận thấy khi đến miếu Nổi là hình ảnh những con rồng. Có thể nói, miếu Nổi chính là một thế giới thu nhỏ của rồng vì trên miếu có hàng trăm con rồng ở rất nhiều các tư thế, kiểu dáng khác nhau.

Rồng hiện diện ở khắp nơi trong không gian của miếu Nổi. Ngay cổng vào là đôi rồng làm bằng đá cẩm thạch uốn lượn theo thế song long đồi đầu. Trên nóc mỗi toà nhà đều trang trí rồng chầu hạt ngọc, rồng chầu tháp Cửu phẩm, rồng chầu cuốn thư. Trên bốn đầu đao cong lên có gắn hình tượng Long, Ly, Quy, Phụng. Trong miếu, tám cây cột đều đắp nổi rồng uốn lượn ôm lấy thân cột.

Theo ông Lục Câu thì rồng được chọn làm con vật chủ đạo ở miếu, vì theo quan niệm của người Hoa thì Long, Ly, Quy, Phụng là bốn loài vật được cho là tứ linh, nghĩa là 4 con vật linh thiêng. Tương truyền, mỗi khi con vật nào trong tứ linh xuất hiện là báo điềm lành có thánh nhân ra đời. Nhưng nơi đây, rồng là loài vật xuất hiện khắp nơi, có lẽ do những người trùng tu ngôi miếu này còn dựa theo những giai thoại được ông bà xưa kể lại. Theo người dân trong vùng thì vào một đêm mưa to gió lớn, có hai con rồng xuất hiện, đánh nhau trên dòng sông Vàm Thuật. Sáng ra, nơi này nổi lên một gò đất cùng với năm bức tượng của năm mẹ ngũ hành. Từ đó, người dân lập nên ngôi miếu để thờ.

Và một câu chuyện khác được truyền khẩu trong dân gian, cách đây mười mấy năm, trên sông Bến Cát trước ngôi miếu, thường có cặp cá bông to lớn nổi trên mặt nước. Mọi người cho rằng đấy là cặp cá thần của bà Cậu, nên không ai dám động đến. Quan sát kỹ, thì thấy cặp cá này có thêm những chiếc râu giống như râu của rồng, nên nhiều người cho rằng đó là hóa thân của loài rồng.

Chính những giai thoại ly kỳ về gò đất nổi lên giữa sông với ngôi miếu này đã khiến miếu Nổi trở nên linh thiêng và tôn nghiêm hơn. Và biến cù lao bỏ hoang, chỉ rộng khoảng 2500 mét vuông này, trở thành một vùng đất thiêng của xứ Sài Gòn - Gia Định suốt mấy trăm năm qua. Dù đi lại khó khăn hơn những nơi khác, miếu Nổi ngày ngày vẫn đón không ít lượt khách từ khắp nơi trong thành phố tìm đến. Để du lịch thưởng ngoạn cũng có, mà để thắp hương cầu mong bình an, làm ăn phát đạt cũng nhiều.

Địa điểm đặc biệt

Nằm cách biệt với thành phố, miếu Nổi là một trong số ít nơi vắng vẻ, còn lưu giữ vẻ hoang sơ của một Sài Gòn xưa. Giữa bốn bề sông nước, đứng ở đây chỉ nghe tiếng tàu thuyền chạy trên sông, sóng nước vỗ vào bờ đá quanh miếu, và âm thanh của chuyến bay sắp hạ cánh. Đây là nơi lý tưởng cho những ai có tâm hồn thầm lặng, muốn lắng nghe và cảm nhận nhiều hơn là chìm trong những thanh âm ồn ào, xô bồ. Bởi vậy, nhiều năm trước, nơi đây là nơi ở ẩn của một số người muốn xa lánh phố thị. Cũng là nơi một số cán bộ cách mạng chọn làm nơi hội họp bí mật.

Cũng theo ông Lê Hữu Phước, từ thời miếu Nổi còn là ngôi miếu bỏ hoang không ai trông giữ, ông Phan Thành Lợi, cháu Phan Thanh Giản (Phan Thanh Giản quê ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là một nhà thơ, nhà sử học lớn của dân tộc) đã từng có một thời gian ở tại đây. Tuổi già, sống cô đơn, Phan Thành Lợi đã tìm ra miếu Nổi ở ẩn, xa lánh thế sự và cuộc sống chốn phố thị. Ngày đó, thức ăn của ông mỗi ngày là đồ cúng mà người dân mang ra miếu cúng hàng tuần. Theo người dân ở đây và bà nội ông Phước thì một thời gian sau, ông Phan Thành Lợi đầu óc trở nên không bình thường, hóa điên rồi bỏ miếu đi đâu không ai rõ.

Nhà văn Sơn Nam lúc còn sống cũng thường xuyên qua lại ngôi miếu này. Thời gian đó, miếu Nổi đã được trùng tu và bản thân ông Phước cũng nhiều lần được trò chuyện cùng nhà văn Sơn Nam.

Ông Phước chia sẻ: "Nhà Văn Sơn Nam yêu thích không gian của ngôi miếu này lắm. Ông thường ra đây ngắm cảnh, tìm hiểu lịch sử của miếu Nổi. Không lễ lớn nào của miếu vắng mặt nhà văn Sơn Nam. Trước khi mất 1 tháng, ông cũng ra miếu. Và đó là lần cuối cùng nhà văn Sơn Nam ra thăm miếu".

Ông Lê Hữu Phước cho biết: "Tôi được nghe bà nội mình kể lại rằng, thời chống Mỹ, miếu Nổi là nơi các cán bộ cách mạng của ta chọn làm địa điểm diễn ra các cuộc họp bí mật. Đây cũng thường xuyên là nơi chốn trú ẩn của cán bộ, tránh sự truy lùng gay gắt của ngụy quyền Sài Gòn".

Năm 2010, miếu Nổi được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Tồn tại gần 300 năm, miếu Nổi chứng kiến không biết bao thăng trầm của lịch sử hình thành vùng đất Sài Gòn - Gia Định, và sự phát triển của TP.HCM hiện đại ngày nay. Miếu Nổi hiện trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, có tên trong một số tua du lịch quanh TP.HCM. Miếu nằm trên cồn đất, bốn bề là sông nước.

Hai bờ sông, bờ Tây là khu dân cư (thuộc phường 5, Gò Vấp), bờ Đông là vùng chuyên canh (thuộc phường An Phú Đông, quận 12). Bao gồm cả hai bến đò Miếu Nổi và Bến Cát, phía bờ Đông, vẫn còn lưu giữ đôi chút khung cảnh miệt vườn của vùng đất Gia Định xưa. Tránh xa những bộn bề của phố phường, nơi đây là địa điểm khá lý thú để du khách hòa mình vào thiên nhiên và cảnh sông nước êm đềm, thanh tịnh, trong mùi hương trầm lan tỏa khắp ngôi miếu thiêng.

Du lịch, GO! - Theo Hương Lam (nguoiduatin.vn), ảnh Leo Dao (Blogspot hbu0508)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến