Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Làng cổ Đông Ngạc có tên khác là làng Vẽ (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), đang lưu giữ hơn 100 ngôi nhà cổ trên 100 tuổi, cùng nhiều giá trị văn hóa, văn vật khác.

< Một ngách nhỏ tại làng cổ Đông Ngạc.

Lần theo những con đường lát gạch nghiêng cổ kính, kết quả của những lần "nộp cheo" của các cô gái làng từ xa xưa, một quá khứ xa xăm như hiện về cùng với làn khói bếp đang lẫn giữa rêu phong của những cánh cổng gỗ cọt kẹt xưa cũ... Bất cứ ai từng một lần đi dọc theo các ngõ nhỏ trong làng đều không thể nghĩ rằng, giữa Thủ đô tấp nập lại có một điểm lặng yên bình đến thế.

Chúng tôi như được đắm chìm vào dĩ vãng của một thời xưa cũ còn vọng tiếng bình văn của kẻ sĩ, tiếng nô đùa của con trẻ và tiếng giã giò rao nem đâu đây... Một cụ già trong ngõ nói với chúng tôi rằng, có hai nơi mà bất cứ ai đến làng cổ cũng nên đến là đình làng Đông Ngạc và ngôi nhà thờ tổ họ Đỗ.

Đình làng Đông Ngạc, một ngôi đình có quy mô to lớn nhiều hạng mục với kiến trúc cổ kính và chuẩn mực đã tồn tại từ 500 năm nay. Tương truyền, đình vốn xưa là một toà miếu cổ có từ thời Đường vào thế kỷ thứ VII. Năm 1635, dân làng đã cải tạo và mở rộng thành đình để thờ Thành hoàng làng. Đình thờ 3 vị thần tượng trưng cho Thiên - Địa - Nhân. Thiên thần là Thần Độc Cước, do Phan Phu Tiên - một người làng - rước về từ Sầm Sơn, Thanh Hoá; Nhân thần là Lê Khôi, cháu vua Lê Thái Tổ, cũng là một tướng lĩnh, được người làng phong là Đô đốc Đồng Xuyên Hầu rước về từ Nghệ An; Địa thần là Bản thổ Thành hoàng.

Ngoài ra, đình còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dũng là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và ông Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635. Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quí, có giá trị như bia đá và bộ tranh sơn mài thời Lê...

Đến làng cổ Đông Ngạc, ngoài đình làng Vẽ bất cứ ai cũng không thể bỏ qua ngôi nhà thờ tổ của họ Đỗ, thờ cụ Đỗ Thế Giai, một võ quan cao cấp thời Lê - Trịnh. Người được phong Vương (Đỗ Đại Vương) từ khi còn sống và tôn làm Thần (Thượng đẳng phúc thần) khi qua đời. Ngôi nhà ấy nay đã có niên đại trên 300 năm.

Cánh cổng gỗ im lìm đã in hằn dấu vết thời gian, một vườn cây trước nhà, ngôi nhà cổ gần như còn giữ nguyên vẹn từ kiến trúc và các đồ vật dụng trong nhà. Ngôi nhà được coi là ngôi đình thứ hai của làng Vẽ. Đây là một trong ít các ngôi nhà trong làng còn có nhiều đồ đạc và những vật phẩm liên quan đến công đức to lớn của danh nhân Đỗ Thế Giai.

Theo gia phả nhà họ Đỗ, cụ tổ Đỗ Thế Giai sinh ngày 21/10 năm Kỷ Sửu, đời Vĩnh Thịnh (1709). Lúc đương thời, cụ được chúa Trịnh ban 4 chữ "Thiết thạch tinh trung" để ghi nhận tấm lòng trung kiên, chính trực của cụ. Hiện, trong hậu cung của ngôi nhà còn có bức hoành phi với 4 chữ "Thượng đẳng phúc thần". Ngoài ra, trong gia phả còn ghi về truyền thuyết phong Thần của cụ tổ họ Đỗ.

Thần Độc Cước (vốn là thần biển cả khi bước vào trong đồng thì ngài chuyển hóa thành chức năng nông nghiệp, một trong 3 Thành hoàng của làng Vẽ) đã thi với cụ tổ họ Đỗ xem ai là người có khả năng đi được trên hệ thống ngọn giáo trong sân đình. Dù không lưu truyền kết quả của cuộc tỷ thí nhưng với con cháu họ Đỗ thì đó vẫn là một niềm tự hào về cụ tổ của dòng họ Đỗ ở làng.

Theo ông Đỗ Quốc Hiến, các đồ thờ đều là những vật được vua, chúa ban cho cụ tổ Đỗ Thế Giai lúc sinh thời. Tự hào về giá trị lịch sử và văn hóa của ngôi nhà bao nhiêu, ông Hiến lại ngậm ngùi khi chia sẻ về những lo ngại và khó khăn để bảo tồn ngôi nhà. Trong khả năng hạn hẹp của mình, ông và con cháu dòng họ Đỗ hàng năm vẫn cố gắng duy tu, bảo trì chống mối mọt cho ngôi nhà cổ…

Du lịch, GO! - Theo Đỗ Thơm (Nguoiduatin), internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến