Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Đây là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ 15. Bắc Giang là một miền đất cổ, có truyền thống lịch sử gắn bó cùng với cả nước trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Xương Giang là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ XV (1407). Thành được xây bằng đất, các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông - Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc - Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây.
Khảo sát thực tế và hồ sơ di tích thì dấu tích ngôi thành cổ xưa nay còn lại không nhiều, tường thành cao hơn mặt ruộng khoảng 3- 4m, chân rộng 25m, mặt rộng từ 16- 20m, 04 góc có 4 pháo đài cao hơn mặt thành 4m nhô hẳn ra ngoài, ngoài thành là hệ thống hào bao bọc.
Trong đợt khai quật lần đầu năm 2008, các nhà khảo cổ học Viện Khảo cổ học đã phác hoạ bước đầu về hệ thống các công trình kiến trúc của thành cổ Xương Giang.
Theo sử sách, chiến thắng Xương Giang của quân và dân Đại Việt do Lê Lợi lãnh đạo, đập tan 10 vạn quân xâm lược Minh trong gần 1 tháng tại địa bàn Lạng Sơn và Bắc Giang ngày nay. Với bốn trận thắng lớn: trận ngày 10/10 đập tan quân tiên phong và chém chết Thái tử Liễu Thăng tại cửa ải Chi Lăng; Trận ngày 15/10 đánh tan quân giặc tại Cần Trạm (Hương Sơn- Lạng Giang), buộc tướng giặc Bảo Định Bá Lương Minh phải tự vẫn; trận Hố Cát ngày 18/10 (thuộc Vôi, Xương Lâm, Phi Mô- Lạng Giang), làm cho viên Thượng thư Lý Khánh phải tự tử và trận Xương Giang ngày 3/11/1427 diễn ra trên cánh đồng Xương Giang (thuộc các xã Tân Dĩnh, Xuân Hương, Mỹ Thái huyện Lạng Giang và Thọ Xương, thành phố Bắc Giang) sau 10 ngày vây hãm, nghĩa quân đã đánh tan hơn bảy vạn quân giặc do Thôi Tụ và Hoàng Phúc chỉ huy, buộc quân Minh ở Đông Đô (Hà Nội) phải xin hàng rút về nước.
Bia ghi dấu tích cửa Bắc của thành Xương Giang
Chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn – Lê Lợi do tướng Trần Nguyên Hãn chỉ huy, chiếm thành Xương Giang và phá tan đạo quân của Liễu Thăng, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử, lật đổ ách thống trị bạo tàn của nhà Minh kéo dài 20 năm và là chiến thắng quyết định cho nền độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ thứ XV.
Trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện oanh liệt ngày 3/11/1427 mà Lê Quý Đôn đánh giá: Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy (theo Đại Việt thông sử).
Thành Xương Giang được coi như trung tâm của chiến trận và sau đó còn chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của quê hương đất nước, nhất là cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) xảy ra vào nửa sau thế kỷ 18.
Thành cổ Xương Giang
Để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại thành Xương Giang, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội vào ngày 6-7 tháng Giêng. Trong lễ hội có nhiều nghi lễ và trò vui đặc sắc. Trước ngày khai hội, tối mồng 5 tháng Giêng, thanh niên tổ chức đốt lửa trại. Tại các đình, chùa, đền, miếu và nhà văn hoá đèn đuốc suốt đêm để tới canh năm hôm sau tề chỉnh săp hàng ngũ, chiêng trống kéo về nơi khai hội. Sáng sớm ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, các đoàn người từ các phường xã, giương cờ, gióng trống, xe kiệu với quần áo rực rỡ, tề chỉnh từ các ngả đường lần lượt tiến về trung tâm khai hội…
Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 22-01-2009, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 293/QĐ-BVHTT-DL xếp hạng thành Xương Giang là di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang cấp Quốc gia. Tại đây có 14 điểm di tích là: Cửa đông bắc, cửa đông, cửa bắc, cửa tây nam, cửa nam, khu trung tâm, dấu vết thành, đoạn sông Xương Giang chảy qua thành; địa điểm khai quật khảo cổ học số 2, 3, giếng Phủ, đền Thành và 2 điểm ngoài khu bảo vệ là: cửa đông nam, cửa tây. Các điểm di tích được bảo vệ nằm rải rác ở các vị trí xen kẽ là khu dân cư các thôn Đông Giang, Nam Giang, Trại Bắc thuộc xã Xương Giang. Ngoài ra còn có một phần diện tích Trường Trung cấp Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang...
Sơ đồ trận bao vây tiêu diệt quân tiếp viện của địch tại thành Xương Giang
Với những giá trị đã được thừa nhận trong lịch sử, sự đồng thuận của các cấp, các ngành và nhân dân, di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Xương Giang mãi là niềm tự hào của nhân dân Bắc Giang nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung trong lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của đất nước./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét