Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Ai từng đặt chân đến Hòa Bình hẳn đã nghe đến danh xưng “nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Đây là 4 cái nôi văn minh lớn và cổ xưa nhất xứ Mường. Mường Bi được xếp đầu tiên không phải bởi cho có vần, có điệu mà bởi những lý do hết sức thú vị.

Huyền thoại xứ Mường

Trở lại Hòa Bình, tôi đã không quản ngại gió mưa để trèo lên nóc nhà Mường Bi ở độ cao 1.200m, cũng là nơi cao nhất có người Mường sinh sống. Con đường ngoằn ngoèo hướng lên trời như một dải lụa ngập khói sương trải dài giữa núi non trùng điệp. Đến được trung tâm Mường Chậm thì trời đã gần trưa.

Hỏi thăm mãi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà ông Đinh Văn Nưng - Trưởng xóm Hượp 2, xã Lũng Vân (Tân Lạc, Hòa Bình). Giúp các nhà báo cởi 2 lần áo mưa sũng nước, ông Nưng dắt chúng tôi vào ngồi bên bếp lửa hồng rực giữa nhà sàn.

Cùng lúc, những chén rượu ngô thơm nồng được người con trai lớn của ông là Đinh Văn Bỉnh rót ra sóng sánh. Rượu nặng. Ông Nưng mới chậm rãi rít một điếu thuốc lào rồi kể cho chúng tôi nghe những truyền thuyết về nơi cổng trời huyền thoại này.

Theo truyền thuyết được ghi lại trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường, đã lâu lắm rồi, giữa chốn núi non hiểm trở đã xảy ra một cơn đại hồng thuỷ. Nó bất thần đổ ập xuống trong một đêm mưa gió bão bùng. Dòng nước cuộn siết đã cuốn trôi hết nhà cửa, trâu bò, con người và cả núi rừng.

Giữa cuộc tan tác ấy, có đôi vợ chồng bấu víu được trên chiếc bè. Cứ thế, chiếc bè chìm nổi trong sóng dữ hết ngày này sang ngày khác cho đến khi vướng vào một cây cổ thụ khổng lồ có tên là bi, rễ cây ăn xuyên qua “chín sông, mười núi” bền chắc đến nỗi cơn đại hồng thuỷ kia không thể làm bật gốc.

Khi cơn hồng thuỷ rút đi, đôi vợ chồng nọ cũng không biết quê xứ của mình ở đâu để trở về. Bởi sau cơn hồng thuỷ, mặt đất như trở lại thời hỗn mang, mọi thứ đều tan tác hoặc bị cuốn trôi. Không biết đi đâu, họ ở lại dựng nhà dưới gốc cây bi, sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc sườn đồi thành ruộng bậc thang. Nhớ ơn cây thần cứu mạng, họ đã lấy tên cây đặt tên cho mường. Đó là vùng Mường Bi ngày nay.

Cạn thêm một chén rượu nồng, ông Nưng như chìm đắm vào với câu chuyện cổ tự ngàn xưa: "Thời gian sau tại Mường Bi, có nhà lang ở đất Mường Bống cho đắp một con đập dẫn nước về các thửa ruộng bậc thang.

Từ khi có con đập, lũ trẻ trong mường thường rủ nhau tắm và chui luồn trong cái cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi. Một nhà dân họ Bùi vô tình đan cái đó đơm cá chặn một đầu bên kia miệng cống. Mải nô đùa, luồn lách, 9 đứa trẻ bị vướng vào và chết trong đó. Nhà lang phạt vạ, bắt nhà họ Bùi đan đủ 9 cái đó như vậy, mỗi năm nộp lúa, ngô... quy ra vàng bạc đầy 9 cái đó để nộp vạ cho mường.

Không chịu được sự bất công, sau một mùa lúa mới, trong một đêm tối trời, nhà họ Bùi đã gùi 9 gùi lúa mới bồng bế nhau bỏ mường, trốn khỏi nhà lang. Họ đi miết cho tới khi lạc vào một vùng hoang vu cây cối rậm rạp. Nghe tiếng cuốc kêu, biết là vùng có nước, họ mới dừng chân ở lại. Mường Chậm được hình thành".

Về sau, Mường Chậm được đổi tên thành Lũng Vân, mảnh đất này dù chỉ nằm cách TP.Hòa Bình khoảng 60km nhưng vẫn giữ được không gian hoang sơ và đẹp như một miền cổ tích.
Trong khi chúng tôi đang ngẩn người ngắm núi rừng bảng lảng qua cửa sổ gỗ ngôi nhà sàn dài hun hút như một tiếng chiêng ngân thì Đinh Thị Bưu - con gái ông trưởng xóm - bê lên một rổ sắn nghi ngút khói.

Bụng đang sôi lên vì đói, chúng tôi chẳng ngại ngần bẻ từng miếng sắn thơm phức đưa lên miệng mà mắt không rời được cô gái Mường xinh xắn có nước da trắng hồng, rạng rỡ. Trước ánh nhìn của những người khách lạ, Bưu đỏ mặt rồi chạy vội vào gian trong để lại một nụ cười đến xiêu lòng những gã trai phố xá.

Phép màu nơi trần thế

Chỉ cho chúng tôi xem bức ảnh 2 cụ già tóc bạc trắng đang ngồi tình cảm bên nhau, ông Nưng giới thiệu: "Các cụ thân sinh ra tôi đấy. Bố tôi là cụ Đinh Văn Óm mất khi 98 tuổi. Nếu cụ không uống rượu quá nhiều thì chắc phải sống thêm được chục năm. Mẹ tôi là cụ Bùi Thị Đẹ. Cụ vắn số nên mất khi mới… 79 tuổi".

Nghe ông Nưng nói, chúng tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Hỏi ra mới biết, người già ở Lũng Vân có hàng chục người sống trên 100 tuổi. Các cụ ở độ tuổi 80 thì không thể nhớ hết. Chính vì vậy, cụ Đẹ mẹ ông mới bị coi là vắn số.

Từ biệt ông trưởng xóm Hượp 2, chúng tôi tìm đến nhà cụ Đinh Văn Hệu ở cuối xóm Nghẹ. Cụ Hệu đang sống với người con trai thứ 6 Đinh Văn Nhển. Dù là thứ 6 nhưng ông Nhển cũng đã hơn 70 tuổi. Cụ Hệu sinh năm 1896, tính đến nay đã 115 tuổi. Cụ bị lãng tai và không biết tiếng Kinh, vợ ông Nhển là bà Đinh Thị Linh phải làm phiên dịch. Bà Linh năm nay cũng đã bước vào tuổi 70.

Bà Linh bảo: "Mấy hôm nay trời mưa lạnh nên cụ mới chịu ngồi một chỗ chứ bình thường khô ráo cụ vẫn đều đặn chăm nom vườn cây thuốc hàng ngày. Cách đây mấy năm, cụ vẫn thường qua lại chơi với người bạn thân ở xóm Bách là cụ Hà Thị Ỉn. Cụ Ỉn năm nay cũng đã 109 tuổi nhưng do chân yếu, tai lãng nên giờ 2 cụ không còn sang thăm nhau được. Cụ bà thân sinh ra mẹ chồng tôi cũng hưởng thọ đến hơn 100 tuổi".

Đáng tiếc là khi chúng tôi có mặt ở Mường Chậm thì một số cụ sống vượt thế kỷ đã vừa từ giã cõi trần. Cụ Bùi Thị Hím vừa mất cách đây mấy tháng thọ 103 tuổi. Cụ Hà Thị Lợi mất vào tháng 6.2009 thọ 110 tuổi, cụ Bùi Thị Niện cũng ra đi ở tuổi 104.

Nói về bí quyết sống lâu của các cụ già nơi đây, nhiều người dân Lũng Vân cho rằng đó là vì ngày xưa các cụ tin theo truyền thuyết nên không ăn thịt. Các cụ chỉ ăn củ nâu, củ sắn và các loại rau rừng. Nhưng theo ông Đinh Văn Nưng thì các cụ không ăn thịt do ngày xưa Mường Chậm rất nghèo, không có thịt mà ăn. Ông Nưng cho biết, hiện tại ở Lũng Vân vẫn còn những hộ chỉ có thu nhập 75.000 đồng/tháng.

Lý giải về sự sống lâu của các cụ, ông Nưng khẳng định đó là nhờ dòng nước chảy ra từ suối Trong, suối Miên, suối Hượp… Các con suối này bắt nguồn từ nơi núi cao, rừng sâu có nhiều cây thuốc quý. Lá cây rụng xuống suối biến nước suối thành nước thuốc.

Ở Lũng Vân nhà nào cũng có một thứ nước lá trộn với vỏ cây rừng để uống hàng ngày. Người dân ở đây nói rằng "đàn bà uống vào nhiều sữa, đàn ông uống vào tráng kiện". Tuy nhiên, tôi nghĩ, vẻ đẹp hoang sơ với núi non, mây khói và nếp nghĩ thật thà đơn giản của con người ở những xứ mường mới chính là phép màu làm nên những câu chuyện mà chúng ta gọi là huyền thoại ở nhân gian.

Du lịch, GO! - Theo Xuân Thắng (Nguoiduatin), internet

Êm đềm làng Mường cổ nhất đất Mường Bi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến