Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

(Tiếp theo)
Qua đèo rồi cũng là lúc vào địa phận Lâm Đồng, chính xác hơn là xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Trước tiên, mình xin đề cập chút thông tin về huyện này, sau đó là những xã và thôn bọn mình đã đi qua trong chuyến ni.

Huyện Lạc Dương nằm trên cao nguyên Lâm Viên, tại hai ngã ba ranh giới giữa Lâm Đồng với Đắk Lắk và Khánh Hòa, với Khánh Hòa và Ninh Thuận. Huyện là nơi đầu nguồn của dòng sông Đa Nhim, chảy theo hướng Nam sang thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương. Trên địa bàn huyện có các ngọn núi cao trên 2.000 m, như: núi Bi Doup (2.287 m), núi Lang Bian (2.167 m), núi Chư Yen Du (2.075 m).

< Rồi bọn mình ghé vào chốn này: nơi thanh chắn sắt có chừa một khoảng trống dài, nơi có tiếng nước đổ rì rào ven rừng...

Lạc Dương nằm trong vùng khí hậu ôn đới, độ cao so với mặt nước biển từ 1.500–1.600 m. Nhiệt độ trung bình hàng năm thấp (18–22 °C), tháng 1 có nhiệt độ trung bình thấp nhất (16,4 °C), tháng năm có nhiệt độ trung bình cao nhất (19,7 °C), nhiệt độ ổn định qua các mùa trong năm.

< Một thác nước to. Bọn mình theo bậc xi măng đi xuống nhưng trước đó cũng đã để ý đến dòng chữ "Công ty 7/5 - Thác Ông **ong". Chữ cẩn bằng những viên sỏi trắng, thô sơ. lại bị rớt mất một hai từ nên mình phân vân: có thể là thác Ông K'long?...

< Trong khi đó, thông tin khác cho biết xã Đạ Chais có thác Liêng Tưr.
Vậy tên nào đúng thì chỉ có người địa phương và... ông Trời biết. Còn nếu bạn biết được thì mình sẽ cập nhật lại sau vậy.

< Nhưng tên gì thì tên, con thác vẫn là con thác đẹp với vài dãi tầng đổ.

Huyện Lạc Dương có 1 thị trấn và 5 xã gồm thị trấn Lạc Dương, xã Lát, xã Đạ Sar, xã Đạ Nhim, xã Đạ Chais và xã Đưng K'Nớh. Các dân tộc thiểu số đang sống trên địa bàn huyện gồm dân tộc Cơ Ho (Cơ Ho - Cil, Cơ Ho - Lạch), Chu Ru, Thái, Ê Đê, Nùng, Tày, Hoa, Chăm.
< Đẹp đến mức con xế mình bỏ đại trên đường: quên khóa, quên cả cái netbook còn bỏ trong túi treo xe!

Tổng số hộ: 4.271 hộ và trên 19.000 nhân khẩu (số liệu tháng 7-2010), cư trú trên 33 thôn, khu phố của huyện. Ngành nghề chủ yếu của các dân tộc trên chủ yếu là sản xuất nông nghiệp: trồng lúa và rau màu; ngoài ra còn làm rượu cần, dệt thổ cẩm, dịch vụ văn hóa cồng chiêng.
< Mặc xe, kệ hành lý: dưới này dòng nước vẫn cuồn cuộn...

Huyện Lạc Dương có tiềm năng về phát triển du lịch ở khu vực núi Langbiang và hồ Đan Kia - Suối Vàng, khu du lịch văn hóa lễ hội cũng như một số danh lam thắng cảnh khác hầu hết các xã. Huyện có 88-89% diện tích là rừng đầu nguồn, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước cho các công trình thủy điện trên địa bàn.
< 'Nửa kia' bao giờ cũng là người đầu tiên chiếm cứ điểm.

Các địa điểm có tiềm năng khai thác phục vụ du lịch trên địa bàn huyện:
- Khu du lịch Văn hoá lễ hội Langbiang
- Hồ Đan Kia - Suối Vàng
- Thác Ankroet
- Nhà máy thủy điện AnKroet
- Buôn văn hóa cổ K’ho
- Làng dệt thổ cẩm B’nerC
- Nhà thờ xã Lát

< Nước cuộn hết tầng thác trên rồi đổ xuống tầng phía dưới, trong khe.

- Khu Nông nghiệp công nghệ cao
- Thác 7 tầng xã Đa Sar
- Thác Liêng Tưr xã Đạ Chais
- Khu du lịch sinh thái Đasar - Thuỷ điện Đa Nhim Thượng
- Thác 9 tầng xã Đưng K’Nớ
- KDL Hồ thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo
- KDL Hồ thủy điện Đạ Khai
- KDL Hồ thủy điện Yann Tann Sienn...


< Mình muốn trực diện với dòng thác này nên tìm cách xuống tầng dưới. Một cây to đổ ngang có thể làm phương tiện thực thi điều này nhưng mình chọn cách leo qua những tảng đá lớn.
Thác nhìn phía dưới như thế này đây, chân con thác có một hồ nước, có thể tắm được.

< Nước từ hồ dưới chân thác lại đổ thêm một tấng thấp nữa, len lỏi qua những tẳng đá to... rồi chảy ra con suối êm đềm phía tận cùng.

< Thân cây to đổ gục làm 'cầu thang' xuống đây. Vậy nhưng trèo vách đá chắc ăn hơn - thân cây to bằng một vòng ôm nhưng nếu trượt chân hay cây gãy gục... chắc 'âu cái đù' (u cái đầu).

Làn nước trong văn vắt, loanh quanh có những đán cá nhỏ bơi tung tăng.

< Dưới này nhìn lên vẫn thấy đường cái, hiếm hoi lại thấy một xe đò chở du khách chạy ngang nhưng không ghé lại: hoài của!

< Tung hoành một hồi, không thấy nửa kia nên mình lại trèo lên; có chuyện gì vậy nhỉ? Lúc này mới nhớ cái netbook vẫn còn bỏ trong túi treo xe... mà xe cũng chả có khóa cổ.

< Hóa ra cô ấy lên lấy cái netbook bỏ vào túi đeo vai rồi khóa thêm con xế bằng cái khóa số: Cẩn tắc vô áy náy!

Đoạn TL723 bọn mình đang đi thuộc xã Đạ Chais. Đây là xã Anh hùng có 100% bà con người dân tộc thiểu số, có diện tích 341.17 km², dân số năm 2004 là 1560 người, mật độ đạt 5 người/km². Cách đây hơn chục năm, nói đến Đạ Chais là người ta nghĩ ngay đến một vùng rừng núi cách trở, đời sống người dân hết sức khó khăn, thiếu đói - Khi ấy, vùng đất này vẫn còn mang cái tên cũ là buôn K’long K’lanh.
< Thác đẹp. Hồi ở suối Đá Giăng, mình từng nói 'Nếu không tắm thì phí cả nửa đời" - Còn chạy ngang đây mà không ghé thì "phí luôn nửa đời còn lại đấy".

Người Cill gọi buôn K'Lon K'Lăn của mình là thung lũng trăn. Sự tích về một thung lũng trăn được nhiều già làng kể lại trên xứ sở rừng già này. Ngày xưa trăn nơi này nhiều lắm, trăn sống trong các hang đá lạnh, bên các dòng suối. Những buổi đẹp trời, những con trăn trườn mình lên thảm cỏ phơi nắng, vảy trăn lấp lánh dưới mặt trời.
< Hòa mình giữa thiên nhiên, bọn này ngất ngây hưởng thụ 'của Trời cho' mà không tốn đồng phí nào, lại thật thoải mái.

K’long K’lanh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Tuyên Đức (cũ). Chiến tranh đã qua đi lâu rồi nhưng bà con dân tộc ít người ở thôn K’long K’lanh vẫn còn phải chịu muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.
< Các bậc thầy nhiếp ảnh và người mẫu muốn chộp ảnh kiểu 'Bảo vệ môi trường' cũng không cần phải vượt hàng ngàn cây số trần thân để có vài tấm ảnh để đời - Thôi thì cứ dung dăng dung dẻ lấy cảnh làm nền tại đây: vừa gần, vừa tiện lại vừa thoái mái (vậy nhưng có lẽ cần tránh hai ngày cuối tuần).

< Tiếc rẻ nhưng cuối cùng vẫn phải rời thác Ông K'Long (tạm gọi vậy) và hướng về Đạ Sar, có lẽ còn khoảng 40km nữa.

Vậy nhưng nếu dùng xe gắn máy đi từ Thái Phiên qua xã Đạ Sar vào đến trung tâm xã Đạ Chais (cũ) sẽ mất khoảng thời gian từ sáng tới chiều để đến thôn K’long K’lanh dù đoạn đường  từ xã Đạ Chais (cũ) vào đến thôn K’long K’lanh chỉ có 24 km!

< Lúc này trời bổng có nắng, những tia nắng chiều mềm mại làm dịu lại cái ren rét của vùng cao nguyên có độ cao hơn 1500m trên mực nước biển.

Gian nan, vất vả do chỉ có độc có một con đường mòn đất đỏ, mấp mô, đầy những rễ cây và rãnh nước đâm ngang dọc, con đường chạy suốt một khu rừng già mịt mùng, phải lội qua những con suối  nước ngập cả bánh xe và những ngọn đồi với rừng già bạt ngàn...
< Bổng gặp 3 đứa bé người dân tộc đang lơn tơn trên đường: mình dừng xe lại để 'nửa kia' tặng bọn trẻ chút quà, đứa bé nhất được ưu tiên thêm miếng phô mai con bò cười cuối cùng.
Mà bọn trẻ lang thang đi đâu vậy cà? Im thinh thít, không biết mấy đứa nhỏ có biết tiếng của người Kinh không nữa.

< Đường tốt nhưng vẫn thưa vắng người, rất hiếm hoi mới gặp được một chiếc xe cùng hướng hay ngược chiều - lúc này đã gần 13h.

Cơ sở hạ tầng K’long K’lanh thuở ấy rất thấp kém, nhà cửa rất đơn sơ, chỉ có nhà tranh tre vách nứa, không có điện, cả thôn không có được 1 cái ti vi, không có được 1 chiếc xe gắn máy. Bà con chỉ dùng nước suối, không biết dùng nước sạch. Cây trồng chính chỉ có bắp và cà phê nhưng năng suất rất thấp nên thường xuyên bị đói lúc giáp hạt, trước kia bà con nuôi trâu bò nhưng không biết làm chuồng, trâu bò chỉ cột ngoài trời nên bị bệnh chết hết. Từ đó, bà con không chăn nuôi nữa.

< Qua cầu Liêng Trưk: bạn muốn phát âm ra sao đó thì tùy bạn.

Do địa hình của thôn K’long K’lanh quá xa xôi cách trở nên đồng chí Nguyễn Phan Lũy – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh lúc bấy giờ có đề nghị với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho tách thôn K’long K’lanh thành một xã riêng để có điều kiện phát triển...
< Những hồ nuôi cá hồi nước lạnh ven đường, đây chỉ là một trong nhiều trang trại nuôi cá xứ lạnh tại đây.

... Đề nghị trên được nghiên cứu và chấp thuận: theo Nghị định số 189/NĐ/CP ngày 17/11/2004 thì 3 thôn K’long K’lanh, Tu Pó và Đông Mang được tách từ xã Đa Chais cũ để thành lập xã Đạ Chais mới (xã Đạ Chais cũ được đổi tên thành xã Đạ Nhim).
< Trại nuôi cá này thuộc CTy cổ phần Giang Ly. Vậy nhưng nếu hư xe, xẹp bánh thì nơi đây sẽ là chỗ ghé nhờ giúp đỡ dành cho bạn - chốn duy nhất có thể nhờ tại nơi heo hút này.

< Đồi thông lặng lẽ...

Từ khi có tỉnh lộ 723 chạy qua thôn, một số bà con người Kinh đến mua đất làm nhà 2 bên đường, họ  kinh doanh, buôn bán, quán xá đã mọc lên. Đã có 100% hộ nông dân trong thôn được dùng điện sinh hoạt, từ đó, nhà nào cũng có ti vi và xe gắn máy. Bà con không còn dùng nước suối nữa mà đã có hệ thống nước sạch, có 95% hộ được dùng nước sạch,  đã có trạm y tế  đạt chuẩn quốc gia với 1 bác sỹ, 1 y sỹ, 1 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng, 1 nữ phụ trách dân số kế hoạch hóa gia đình.

< Đường vắng hiu quạnh.
Trụ xi măng bên đường báo Đạ Sar còn 31km nữa.

Nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, bà con K’long K’lanh đã thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi. Nếu trước đây bà con chỉ biết thả bò lên rừng, nửa tháng hoặc một tháng mới lên thăm một lần thì bây giờ đã biết làm chuồng trại nuôi tập trung, vừa dễ chăm sóc vật nuôi, lại có thêm phân bón cho cây trồng.
< Thỉnh thoảng có những lúc mây nhiều, khá âm u nhưng may mà không mưa. Vậy nhưng mưa phố núi rồi sẽ biết nó dữ dội đến dường nào, nhưng đó là chuyện hồi sau...

Năm 2011 thu nhập bình quân đầu người toàn xã Đạ Chais nói chung và thôn K’long K’lanh nói riêng đạt 12 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 triệu đồng/người so năm 2010...
< Bao giờ đến Đạ Sar nhỉ? Vậy nhưng trước khi đến nơi này thì phải qua trung tâm K’long K’lanh, một thôn nhỏ.

... Trên địa bàn xã Đạ Chais và thôn K’long K’lanh có 275 hộ nhận khoán quản lý bảo vệ 12.652 ha rừng, mỗi năm thu nhập hơn 20 triệu đồng/ hộ. Nhìn chung, đời sống bà con dân tộc trong thôn đã được nâng lên rất nhiều so với trước kia, đến nay đã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo trong xã Đạ Chais nói chung và thôn K’long K’lanh nói riêng còn 108 hộ, chiếm 32,8% giảm 9,41% so với năm 2010.

< Chạy qua điểm trường Đưng K'Si vẫn thuộc xã Đạ Chais. Vắng, không người - có lẽ các em chỉ học buổi sáng.

Trong tương lai: những buôn làng nằm trong vùng đệm của rừng quốc gia Bi Doup - Núi Bà tại xã Đạ Chais như: Đông Mang, Đưng Tupóh, Đưng KSi... nằm ẩn hiện trong rừng thông này sẽ hình thành nên những làng du lịch xanh. Nơi đây, trong từng nóc nhà dài của các dân tộc người bản địa gốc K'Ho vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống Tây Nguyên như: không gian văn hóa cồng chiêng, rươu cần, sản phẩm thổ cẩm cùng những món ẩm thực rừng rất độc đáo như khô nai, khô heo.

< Hết nhà, cảnh thưa vắng lại tái hiện. Vậy nhưng đường vắng an toàn hơn vì người dân tộc chạy xe cũng... khá ẩu đấy.

Hiện nay, địa phương đang xây dựng và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào dự án du lịch sinh thái với những sản phẩm hết sức độc đáo như: Du lịch mạo hiểm - lội rừng, băng đèo, vượt suối, vượt sông; xem thú, ngắm chim,...

Thung lũng trăn là chuyện ngày xưa. Ngày nay, dòng thác và suối ngoằn ngoèo trong địa phận thôn tựa như con trăn khổng lồ uốn khúc ngay cạnh TL723 đưa dòng nước lạnh giúp phát triển nghề nuôi cá hồi nước lạnh.

< Đến cầu 'Long Lanh': có lẽ thôn "K’long K’lanh" cũng là nơi này thôi. 'Cờ lông cờ lanh' là cách phát âm của người bản địa, còn người Kinh làm đường nên đặt trên cầu Long Lanh luôn cho dễ đọc.

Từ kết quả rất khả quan và đầy triển vọng của nghề nuôi cá hồi, theo lãnh đạo huyện Lạc Dương, hiện có rất nhiều Cty đang về lập dự án nuôi cá hồi tại K’long K’lanh, hồ Tuyền Lâm và hồ Đa Nhim như Cty Hoàng Phố, Cty Hà Quang ở TPHCM, Cty 7/5…
< Vào thôn, mình chạy ngang qua một số nhà dân rồi thấy trường tiểu học Long Lanh thuộc xã Đạ Chais. Chắc do còn trưa nên thưa vắng người.

Đặc biệt, Viện Nuôi trồng thuỷ sản 3 cũng đã lập dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu sản xuất các giống cá nước lạnh tại Lâm Đồng với kinh phí hàng chục tỷ đồng để cung cấp giống cho tất cả những trang trại nuôi cá của tỉnh. Theo dự kiến, năm 2010 Lâm Đồng sẽ có 50ha mặt nước nuôi cá nước lạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước thay vì phải nhập khẩu từ Phần Lan và Nga như hiện nay.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 cuối

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến