Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Cứ mỗi độ mùa mưa về là người dân quê lại có niềm vui của những bữa cơm rau tập tàng. Trời mưa, đồng đất ngập nước, rau màu chết úng thì rau tập tàng trên các bờ, bụi được nước trời thi nhau sinh sôi, phát triển. Nhìn những ngọn rau non tơ, những lá rau mượt óng mà thấy cái ngọt ngào như mát cả tâm can.

Và trong khi cha mẹ bận rộn với chuyện nhà cửa, heo gà để sẵn sàng ứng phó lũ lụt thì con trẻ là những nhân vật chính đi hái rau tập tàng cho mỗi bữa ăn. Hái rau tập tàng cũng phải biết cách thì đĩa rau mới ngon và đậm đà hơn. Phải chọn những ngọn rau non mượt dùng móng tay bấm vào là đứt ngọt, nhẹ nhàng. Các loại rau cũng được hái theo một tỉ lệ hợp lý để khi luộc có sự hòa quyện giữa vị với hương.

Thông thường những thứ rau đậm mùi như bồ hôi, mè đất, rau sưng… chỉ cần phần ba đến phân nửa các thứ rau khác là vừa đủ. Và luộc rau cũng đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng cho rau xanh, mềm, còn nguyên mùi, nguyên vị. Đấy là khi rau được rửa sạch chờ cho nước sôi già mới đổ vào, đảo thật đều độ khoảng phút rưỡi, hai phút nước sôi vùng trở lại thì vớt ra rổ cho ráo nước.

Ăn rau tập tàng phải có nước chấm ớt tỏi giã nhuyễn chế biến từ mắm nước hay mắm cái là tùy theo sở thích mỗi người. Nhưng thứ nước chấm đúng điệu của rau tập tàng thì phải là mắm mày mạy. Hai cái thứ hoang dã, tự nhiên này tương thích với nhau một cách lạ kỳ. Rau tập tàng có cái ngọt ngọt của thài lài, đọt dâu, rau dền, rau diệu, cái chua chua của rau sam, cái bùi bùi, nhẫn nhẫn của bồ hôi, lá võng, có vị the the, đắng đắng của rau xưng, mè đất… cộng hưởng với mùi thơm ngan ngát của bồ hôi.

Mỗi thứ rau sở hữu trong mình một mùi, một vị riêng, làm nên sự tổng hòa đến là khó tả. Cái tổng hòa ấy đem chấm vào mắm mày mạy vừa nồng nồng, cay cay, vừa thơm ngầy ngật, vừa béo, bùi, ngọt, mặn… Sự kỳ diệu làm cho một món ăn tầm thường nơi thôn dã chắp cánh, thăng hoa và để những ai đã một lần được thưởng thức đủ nhớ đến suốt đời!

Ngày còn nhỏ tôi luôn bị ám ảnh và cố tìm hiểu để cắt nghĩa câu nói cửa miệng trong dân gian "Rau tập tàng thì ngon…" nhưng vẫn không tài nào hiểu nổi. Rồi Mẹ đã giảng giải cho tôi "Khi đói con người ta ăn gì cũng thấy ngon. Có cái rau tập tàng để sống qua ngày là một điều may mắn". Và qua lời Mẹ kể cái nạn đói năm 1952 cứ rõ mồn một trong tôi như là người đã đi qua nó. Khắp một vùng Trung bộ liên tiếp bị thiên tai, địch họa, làng xóm tiêu điều, cây cỏ xác xơ. Người người tìm sống bằng rau tập tàng, bằng đu đủ cây, bằng cả thân chuối, gốc chuối… Đến mức mặt đất thiếu hẳn màu xanh. May mà cái đói chỉ vài mươi ngày!

"Rau tập tàng thì ngon…". Cái ngon của nó không chỉ riêng trong nghĩa tình, thương nhớ mà còn ngon trong sòng phẳng giữa đời thường. Không phân hóa học, không thuốc trừ sâu, không tạp chất độc hại. Nó là thứ rau sạch  đúng nghĩa. Dễ gì có được một thức ăn cao lương mĩ vị mà tổng hòa những hương vị độc đáo như rau tập tàng.

Không những ngon mà rau tập tàng còn là thứ thuốc Nam quý giá có thể chữa trị được những chứng bệnh thông thường trong đời sống hàng ngày. Rau tập tàng có tính ôn hòa, mát tì, bổ vị giúp cơ thể lưu thông khí huyết, điều hòa lượng đường, lượng mỡ dư thừa. Nó là thứ dược liệu thanh nhiệt rất công hiệu mà y học hiện đại đang đầu tư, chế biến.

Rau tập tàng là tinh túy của đất trời, là món quà quý mà tự nhiên ban tặng cho người dân thôn quê. Nhưng nó không phải là thứ bất biến, vĩnh hằng. Nhất là khi môi trường sống ngày một ô nhiễm nặng nề, người nông dân sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu vô tội vạ. Rồi thì xu thế đô thị hóa  nông thôn ngày càng mạnh mẽ… Mỗi lần cầm rổ ra bờ, ra bụi hái rau là lòng tôi không khỏi thắc thỏm.

Du lịch, GO! - Theo Bùi Tấn Xương (Quảng Ngãi Online), internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến