Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

Vũ Thống Nhất



Có cái Tâm và biết trăn trở với vùng đất đang sống là đã tạo cho chính mình nhiều cơ hội mới, đất không bao giờ phụ mình đâu. Chất lính trong Ba Phát vẫn sục sôi lắm từ tư duy đó.



1. Trưa Phú Quốc, nắng chụp như chảo lửa. Ngồi trong cái tum lá treo lửng lơ những giò lan rừng, hứng gió đại ngàn, nghe nước suối róc rách nhâm nhi ly rượu mật ong lóng lánh phấn vàng thơm lừng mới thấm thía hết cái kỳ thú của hòn đảo chơi vơi giữa biển phương Nam. Chủ cơ sở du lịch sinh thái Trầm hương này là Nguyễn Xuân Bính đã ngoài 50 tuổi, quê tận Hải Phòng, đi lính trinh sát ra đảo rồi lấy vợ ở lại luôn. Trong cơ sở của mình, ông bán sản phẩm “cây nhà lá vườn” như tiêu, mật ong, rượu thuốc… Du lịch thì mới làm đây nhưng nghề trồng cây (dó bầu) lấy trầm thì hì hục cả chục năm nay với gần 5 ngàn gốc, trồng theo lứa, gối đầu nhau.     “ Ông chuẩn bị đăng ký thương hiệu mấy cái sản phẩm đi. Ra kinh doanh rồi không có khó à”, Trịnh Công Phát (Ba Phát), bạn đồng ngũ năm xưa nói với Hai Bính. “Rồi. Ông nghĩ phụ tôi luôn để còn in bao bì mẫu mã. Còn vụ thử nghiệm phân bón cho Quỹ Môi trường Xanh cứ thảy ra đây, kết quả ra sao tôi sẽ báo lại”. Cuộc nhậu của hai người lính đầu xuân vẫn luôn xoay quanh công chuyện làm ăn và sự đổi thay trên Đảo ngọc.




Ô. Hai Bính - chủ cơ sở Trầm Hương



Ô. Hai Bính và GS Võ Tòng Xuân



Rừng dó bầu của cơ sở Trầm Hương


Năm vừa rồi, Ba Phát là một trong số rất ít gần 200 doanh nghiệp dự Hội thảo “chịu chơi”, đặt bút ký mua máy phát điện chạy bằng sức gió của tập đoàn SYNERGY (Hoa Kỳ). Nguồn năng lượng sạch từ nước (thủy điện) mặt trời và gió (phong điện) đang được quan tâm, phát triển trong khi điện tại đảo “điên đầu” lắm, gió ở đây thì lồng lộng tối ngày, Ba Phát trả lời về quyết định của mình. Theo Hai Bính, cái độc đáo của “ông chủ Phát” là luôn tìm tòi, ứng dụng khoa học kỹ thuật. “Thằng chả lụi cụi ra vô đất liền tìm tới các trường Đại học, Viện nghiên cứu hoài à…”.



Ô. Trịnh Công Phát (giữa) cùng các nhà khoa học trường ĐHCT tại PQ



Một sản phẩm đang được nghiên cứu

tại Tổ phát triển sản phẩm mới và An toàn thực phẩm

thuộc bộ môn Công nghệ thực phẩm

- khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng ĐHCT



Quê ở Chợ Gạo - Tiền Giang, năm 1979 đi lính Hải quân ra đảo Phú Quốc, phục viên năm 1983 rồi bén duyên với một cô giáo ở đây, lập nghiệp luôn tại xứ đảo. Ba Phát chưa bước qua hàng “5”, dáng tầm thước, tự tin, năng động. Hai Bính kể cùng lứa ra quân đến nay vẫn còn nhiều người loay hoay khốn khó thì “Tay này nhạy cảm kinh doanh, làm ăn chắc chắn nên đụng gì cũng thắng”.



Nụ hoa sim cũng là nguyên liệu

cho một sản phẩm đang nghiên cứu của SimSơn


Nhiều năm trước, khi Phú Quốc chưa sôi động với các dự án bạc tỷ, Nhà nước cũng chưa có chính sách, cơ chế mở cho “Đảo ngọc” như bây giờ Ba Phát đã có nhiều “toan tính” đón đầu cơ hội. Năm 2000, khi lượng khách du lịch đổ ra Phú Quốcngày càng nhiều, Ba Phát mày mò rồi hợp tác với các nhà khoa học cải tiến quy trình làm rượu sim mới thay vì ủ đường lên men như trước. “Bí quyết để rượu sim ngon chính là việc tạo ra con men giống riêng, có thể khống chế và kiểm soát được quá trình lên men, càng để lâu rượu càng ngon”. Tiếp theo đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng, thuê mướn nhân công; đăng ký chất lượng sản phẩm, độc quyền thương hiệu rượu SimSơn với gần chục loại khác nhau. Thắng lớn, Simsơn lại vượt biển, có mặt ở nhiều nhà hàng, khách sạn tại ĐBSCL, TP.HCM…


Một nghiên cứu sinh đang học tại Hoa Kỳ, cô Hồng Vân đã email cho Ba Phát:  một nữ Giáo sư là Giám đốc văn phòng thông tin quảng cáo Nhà Trắng từng phụ trách bộ phận tuyên truyền cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Bill Clinton sau khi được cô giới thiệu về các sản phẩm từ sim của Ba Phát và cho biết hè 2009 sẽ về làm việc tại đây đã rất thích thú, tư vấn cho cô nhiều ý tưởng mới. “Là người năng động, anh chắc chắn có rất nhiều cơ hội để thành công”. Một Việt kiều là thành viên của Công ty chuyên về thực phẩm tự nhiên Canada thường nghiên cứu thị trường để nhập các loại sản phẩm từ hoa quả đặc trưng của Việt Nam mới tỏ ý muốn được hợp tác, giới thiệu rượu sim và mật sim nhãn hiệu Simson cho thị trường nước này…  “Khu du lịch Vườn Táo” (ấp Cửa Lấp xã Dương Tơ) ăn nên làm ra, trở thành điểm đến quen thuộc của rất nhiều du khách.





Không dừng ở đó, Ba Phát mở trang Web, lập DNTN Sơn Phát (hiện đã cổ phần), đầu tư thêm cửa hàng bán đồ chế biến cao cấp phục vụ khách ngọai quốc ngay trung tâm Thị trấn Dương Đông… Ngoảnh đi ngoảnh lại đến nay Ba Phát và gia đình đã sở hữu hai thương hiệu khá nổi tiếng trên Đảo ngọc: Nhà hàng Vườn Táo và rượu Simson. “Lúc mới ra quân, vợ chồng đều là giáo viên, chỉ có miếng đất nhỏ. Sáng chồng gánh nước tưới rau, chiều vợ hái ra chợ bán. Nghĩ lại thấy thương bả, dạy học về là lao ra ruộng. Gom góp mãi mới trồng thêm được 300 gốc táo…”.



2. Chỉ những chai hộp đẹp mắt đủ kích cỡ đựng dấm, tương ớt, dưa chuột non, tiêu say, rau sấy khô, đậu phộng, hạt điều, muối ớt… đã chế biến nhập ngoại Ba Phát hậm hực: đồng bằng mình đầy rẫy những thứ này nhưng tại sao mình vẫn chưa làm được như vậy? Tức, tự ái mà quyết chí làm.  Ba Phát lại tìm tới các nhà khoa học. Không chỉ tiếp tục nghiên cứu làm rượu sim theo công nghệ mới (vang trắng, vang tím…) mà còn mở rộng thêm nhiều công trình khác như phân vi sinh, khảo sát thực vật quý, công nghệ chế biến… Ba Phát còn bỏ tiền đầu tư cho một số dự án, các đề tài luận văn tốt nghiệp. “Đi rồi mới biết các nhà khoa học của ta chả kém gì Tây. Tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án rất thiết thực nhưng chưa được kết nối với người dân Phú Quốc và đồng bằng”.



Một số giáo sư tiến sĩ, các nhà khoa học và sinh viên Đại học Cần Thơ, đặc biệt khoa Nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, vi sinh… thấy cái tâm của Ba Phát mà trở thành những người bạn thân thiết, nhiệt tình tư vấn cho ông chủ doanh nghiệp cầu tiến này. Dư xài rồi làm chi cho cực nữa? Tiền ai chẳng quý nhưng đồng tiền đặt đúng chỗ giúp được nhiều người hơn. Đến bây giờ mình mới có điều kiện. Làm cho mình và cho người khác nữa.



Ô. Trịnh Công Phát tại Diễn đàn khuyến nông & Công nghệ

tổ chức tại PQ ngày 06.3.2009


“Sốc” nhất, xôn xao dân đảo nhất là dự án “Bảo tồn và nghiên cứu phát triển cây sim Phú Quốc được Ba Phát tung ra vào năm 2008.  Dự án có kinh phí 6 tỷ đồng (trong đó vốn của gia đình Ba Phát là 2,5 tỷ) sẽ triển khai trên 6 ha đất ở ấp Rạch Hàm – xã Hàm Ninh. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng phương án bảo tồn và phát triển cây sim kết hợp trồng rừng, trồng cây dược liệu dưới tán thấp để tăng thu nhập lâu dài và ổn định cho nông dân; tập trung nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch, định hướng phát triển các dòng sản phẩm trong tương lai, ưu tiên phát triển sản phẩm từ sim rừng (trà hoa sim, rượu, mật, siro, nước hoa, xà bông…) nhằm tạo ra dòng sản phẩm phục vụ du lịch độc đáo, chỉ có ở đây; nghiên cứu đa dạng hóa sinh học trong khu bảo tồn để hình thành khu trung tâm nghiên cứu sinh học dành cho sinh viên học sinh trong nước và quốc tế kết hợp du lịch…



Ô. Trịnh Công Phát (bìa phải)


Sim là loài cây hoang dã có sức sống mãnh liệt, chịu được cả hạn lẫn ngập úng. Người nông dân chỉ cần tham quan mô hình, chăm sóc theo hướng dẫn sẽ có một khu vườn tự nhiên mà hầu như không phải bỏ vốn ra nhưng thu nhập không hề nhỏ vì chỉ tính theo thời giá hiện nay 12.000 đồng/kg thì một ha thu nhập không dưới 60 triệu đồng/năm. Từ nguồn lợi đó chính người dân sẽ tự bảo vệ lấy rừng, Nhà nước không cần vận động, thuê mướn họ giữ rừng nữa.




Một dòng suối tại khu dự án của SimSơn


“Khu đất 6 ha này tôi mới mua lại của dân cách đây mấy năm. Dự án thành công cây sim sẽ trở thành cây xóa đói giảm nghèo cùng một cảnh quan du lịch rất độc đáo. Biển xanh, cát trắng và những cánh hoa sim bừng sắc tím chạy dài theo những vạt đồi mỗi sáng lên chiều xuống… ”. Vào độ tháng 4, tháng 5, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu đổ xuống, cây sim cũng bắt đầu vươn cành, đâm hoa. Xuân về, sim bắt đầu chín rộ, trái mọng căng tròn…và làm đỏ môi bao sơn nữ. Có thời kỳ sim rừng lên ngôi, cứ mỗi khi vào vụ, thôn nữ trên đảo thích lên đồi hái sim hơn đi hái tiêu! Hái sim một ngày đạt 10kg, thu nhập 80.000đ trong khi tiền công hái tiêu cao lắm chỉ 30.000đ.




Thu hái sim là một cơ hội thu nhập thêm theo mùa vụ

cho nhiếu người dân đảo PQ


Khi trái sim rừng hoang dã biến thành những chai rượu sóng sánh màu tím xinh xinh nằm gọn trong túi quà của du khách, ánh mắt người bản địa đã khác, nâng niu trìu mến hơn cũng là lúc cây sim bắt đầu bị “vật vã”. Khắp khu đất 6ha của Ba Phát là hàng loạt những hố đen, cách nhau chỉ 2-3 mét nằm rải rác. ”Hầm đốt than đó. Họ chặt cây rừng đốt lấy than bán. Cả Phú Quốc chỉ còn khu này tập trung sim rừng thôi. Xót ruột quá mua đất để bảo tồn”. Mấy năm trước, Phú Quốc lên cơn sốt đất, sim không còn ”tím cả chiều hoang” nữa.  Dưới nắng màu tím của hoa sim từ Bắc đảo thổi qua Nam đảo long lanh trả lại đâu còn sâu đậm nữa mà chỉ còn khoảng 500ha nằm rải rác ở các xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm…




GSTS Võ Tòng Xuân và TS Nguyễn Thanh Bình khảo sát rừng sim Phú Quốc


GS.TS Võ Tòng Xuân nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang khi nghe Ba Phát trình bày ý tưởng đã rất ủng hộ và ra tận Phú Quốc khảo sát rồi trở thành người chủ trì nghiên cứu khoa học của dự án. ”Tôi thấy cây sim rừng Phú Quốc rất đặc biệt, khác các loại sim trong đất liền ở miền Trung và miền Bắc. Nhiều sản phẩm độc đáo chỉ có Phú Quốc mới có được từ cây sim. Và dân nghèo cũng nhờ cây sim để thoát nghèo… Chủ yếu là lập ra cho được một kiểu sử dụng đất rừng Phú Quốc, vừa bảo vệ môi trường rừng, vừa tạo ra của cải phi gỗ giúp dân xóa đói giảm nghèo, vừa tạo ra đặc sản Phú Quốcđem lại nguồn thu cho ngân sách… Tôi và một số nhà khoa học chuyên ngành sẽ tiếp tay với Kiên Giang thực hiện đề tài này”, GSTS Võ Tòng Xuân đã gởi thư cho ông Văn Hà Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang như vậy. Rồi nhiều nhà khoa học, qua sự giới thiệu của GSTS Võ Tòng Xuân, đã liên tiếp đổ bộ lên đảo nghiên cứu sim rừng: Tiến sĩ thực vật học Nguyễn Thanh Bình (ĐH Cần Thơ), TS. Jeffery T. Burkhart (Đại học La Verne, Hoa Kỳ)… Tỉnh KG cũng đã đồng ý về chủ trương khoanh vùng để làm vùng nguyên liệu cho rượu sim và những sản phẩm từ sim của dự án. Tương lai Phú Quốc sẽ phát triển xoay quanh trục Du lịch - Dịch vụ, dự án này sẽ thăng hoa cùng Đảo ngọc.


Lần đầu tiên cây sim Phú Quốcsẽ được nghiên cứu một cách toàn diện, khoa học với mục tiêu không chỉ kinh tế mà còn đậm nét nhân văn, xã hội. Một mô hình nông nghiệp mới kết hợp hài hoà lợi ích của ”Bốn nhà”. Đây sẽ là bước đột phá làm tăng giá trị trái sim rừng và là tiền đề gợi mở nhiều dự án phát triển khác (cây tiêu, surimi, xúc xích cá…) nhằm hạn chế xuất thô sản phẩm nông nghiệp, gia tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm có giá trị thấp thành hàng hoá có giá trị cao trong thời buổi kinh tế hội nhập cạnh tranh ngày càng khốc liệt.




Tiêu tại cơ sở Trầm Hương


3. Gần 10 năm trước ngồi uống cà phê ở một khách sạn sát biển, Phú Quốc hôm đó trời đầy sao, gió ngoài khơi ập vào mát lạnh, Ba Phát trăn trở nhiều về những dự định của mình và những điều đang xảy ra trên đảo. Phú Quốclợi thế còn nhiều nhưng vẫn chưa tận dụng hết; Thời buổi công nghệ mà chỉ ”cặm cụi” không thôi khó mà bắt kịp họ, khiến họ ngoảnh lại nhìn mình; “Bốn nhà” phải bắt tay nhau mới khai thác hết tiềm năng, dân mới làm giàu được…



Phú Quốc đang rộn ràng nhưng cũng rất ngổn ngang


Đảo ngọc tự hào bởi hai đặc sản tiêu và nước mắm. Nhưng biển khơi đã giận dữ khi mỗi đêm hàng đoàn ghe thắp đèn sáng như muôn quả cầu lửa dùng xiệc chà sát khiến nguồn nguyên liệu (cá cơm sọc than chỉ có ở vùng vịnh Thái Lan này) tạo ra loại nước mắm lừng danh tuyệt hảo nơi đây ngày càng cạn kiệt. “Vương quốc hồ tiêu” Phú Quốc nổi danh trong ngoài nước bởi tiêu ở đây hạt mẩy, vỏ mỏng, ruột đặc, cay nồng, mùi thơm mà không tiêu ở đâu sánh bằng bởi kỹ thuật ”xây thầu” (bón đất mới xung quanh vườn cho gốc), ”choái” chủ yếu là nọc sống và hầu như không sử dụng phân bón hóa học, thu hoạch thủ công được truyền lại hàng trăm năm nhưng có khi vẫn ”dội” do giá tiêu vẫn luôn chơi điệu Tănggô, lên xuống thất thường… “Dù chính quyền đã có rất nhiều cố gắng nhưng người dân vẫn còn khó khăn. Du lịch sẽ là đòn bẩy cho Đảo ngọc và phải làm sao kéo được người dân vào để cải thiện mức sống, tạo sự phát triển bền vững hơn”.


Chất lính trong Ba Phát vẫn sục sôi lắm từ tư duy đó. Phú Quốc đã thật sự là quê hương thứ hai của ngừoi đàn ông này. Nhiều thanh niên trẻ bỏ đảo lao ra thị thành nhưng cả hai người con trai ông đều cho học những nghề liên quan đến du lịch để quay về phục vụ đảo. Người con dâu đầu đang có thu nhập cao tại thành phố Hồ Chí Minh cũng theo chồng “về dinh”, cùng chồng thay cha điều hành công ty để ông rộng đường hơn với dự án. Tay trắng làm sao biến thành tỷ phú? Bước đi thích hợp, biết cách tiếp cận, tận dụng tri thức khoa học và cả sự sắc sảo, nắm được “luật chơi” của kinh tế thị trường. Bên cạnh đó rất cần cái Tâm với vùng đất mình sống. Đất không bao giờ phụ mình đâu. Ba Phát tâm sự.



Bảng hiệu một đại lý rượu sủa SimSơn


“ Qua những đồi sim/ những đồi sim dài trong chiều không hết…” (Màu tím hoa sim - Hữu Loan). Mai này Đảo ngọc sẽ làm khắc khoải say đắm lòng du khách hơn bởi ”Màu tím hoa sim”./.


Ảnh: Dương Thế Lộc, Mỹ Xuyên, Huỳnh Kim


___________________________________


Bài đã đăng trên SGGP số ra ngày 17.5.2009

URL: http://saigongiaiphong.vn/epaper/Viewer.aspx?ed=9&ne=2251&id=5


Xem thêm:


http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2008/2/144506/


http://huynhkimhuynh.blogspot.com/2009/05/toi-nghi-en-su-phat-trien-ben-vung.html


http://www.metinfo.vn/blog/?p=601

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=3190

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến