Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

Dulichbui's Blog - Cuối thế kỷ XVII, những ngư dân lao động của các tỉnh miền Trung lần lượt đổ bộ lên khai phá vùng đất mới còn lắm hoang vu Phan Thiết - Bình Thuận. Họ mong tránh cảnh loạn lạc, khốn cùng ở miền quê cũ, tìm được một chốn an cư lạc nghiệp lâu dài.

Sử sách và dân gian thường gọi là: “Ngũ Quảng lưu dân” (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi). Theo truyền thống ở miền quê cũ, họ lập ra ở ven biển các Vạn nghề cá (Vạn Chài) theo từng nhóm dân cư tập trung trước khi có chính quyền làng xã. Một trong những vạn chài ấy có tên Thủy Tú bởi nằm bên cửa biển Phan Thiết trù phú, đẹp giàu (Thủy là nước, Tú là màu mỡ, nhiều sản vật, Thủy Tú nói lên vùng biển giàu đẹp).
Cùng với lập Vạn ổn định dân cư ăn ở, Vạn nào cũng xây dinh để thờ thần Nam Hải. Từ xa xưa, theo tín ngưỡng của ngư dân Cá Voi được tôn làm Ông Nam Hải hay Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần. Bởi khi trời giông bão, sóng to gió lớn, Ông đã tựa vào thuyền, che chắn cho thuyền không bị sóng gió nhận chìm. Khi Ông lụy (chết), làng Vạn làm tang lễ, thờ tự ở Dinh, như câu hát Bã Trạo truyền từ đời này sang đời khác:

Khôn phò nghĩa khí ai bì
Sống chơi biển Thánh, chết quy non thần.

Dinh Vạn Thủy Tú tọa lạc trên đường Ngư Ông, thuộc phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết. Con đường ngày nay và bến cá trước đây mang tên Ngư Ông thể hiện ý nghĩa lịch sử gắn bó giữa Ông Nam Hải với ngư nghiệp địa phương: niềm tôn kính của ngư dân cũng như niềm tin vào sự phù trợ của ông Nam Hải. Lịch sử hình thành Vạn Thủy Tú gắn liền với lịch sử hình thành thành phố Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận của lớp ngư dân đầu tiên vào khai phá xây dựng nên một vùng biển “trên bến dưới thuyền” với ngành nghề truyền đánh bắt hải sản và chế biến nước mắm truyền thống nổi tiếng xưa nay.
Dinh Vạn Thủy Tú là một trong những Dinh Vạn lớn và cổ xưa nhất của nghề biển ở Bình Thuận. Dinh được thiết kế từ năm Nhâm Ngọ (1762) với Chính Điện, nhà Tiền Vãng và phía trước là Võ Ca. Trung tâm Chính Điện đặt khám thờ Thần Nam Hải. Bên tả khám thờ Ông Thủy (ông tổ nghề biển), bên hữu thờ Bà Thủy. Phía sau Chánh điện là nhà Tiền Vãng thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền – những người có công khai phá dựng Làng, lập Vạn. Phía trước là nhà Võ Ca, nơi để hát bội và diễn Bã Trạo trong những kỳ tế lễ. Trong năm Vạn có năm kỳ Lệ cúng: Lệ Tế Xuân (20.02 ÂL) Lệ Hạ Nghệ (xuống nghề, cầu ngư đầu mùa 20.04.ÂL), Lệ Tế Thu (còn gọi là Lệ cúng của các chèo dọc 20.07 ÂL) và Lệ Mãn Mùa (25.08 ÂL). Ở mỗi Lệ cúng, bà con tổ chức lễ với những nghi thức cúng tế trang trọng và hội với hát bội, diễn bã trạo, giao lưu trao đổi công việc làm ăn; ngoài ra còn tổ chức đua ghe giữa các Vạn, như câu ca xưa còn truyền lại:

Dưới sông sắp đặt ghe đua
Trên bờ sửa soạn Miếu Chùa Trạo ca

Việc thờ tự, cúng tế, Lễ hội ở Vạn hướng con người về với cội nguồn, với Tổ quốc, với Tổ nghề và thắt chặt tình ái hữu tương tế.


Về giá trị kiến trúc, Dinh Vạn Thủy Tú sử dụng lối kiến trúc “Tứ Trụ”. Toàn bộ các vì kèo, rường cột, các gian đều xuất phát từ đỉnh các tứ trụ; hệ thống kết cấu gỗ đều được chọn các loại gỗ quý, các chi tiết được lắp ghép trau chuốt, chạm khắc tỉ mỉ. Đến nay so với hàng chục ngôi Vạn thờ Hải Thần dọc bờ biển Bình Thuận thì Dinh Vạn Thủy Tú có kiến trúc cổ còn giữ nguyên trạng.Trong Dinh còn lưu giữ 24 sắc phong của các vua Triều Nguyễn; lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán - Nôm liên quan đến nghề biển, thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám tờ, tượng thờ, hoành phi, câu đối trên văn chuông Đại Hồng Chung…



Ngọc Lân thánh địa và nhà trưng bày bộ cốt ông Nam Hải
Đến tham quan Dinh Vạn Thủy Tú, qua cổng tam quan về phía tả là Ngọc Lân Thánh Địa, về phía hữu là nhà trưng bày cốt Ông Nam Hải, trước khi vào viếng dinh chính.
Theo phong tục tập quán khi phát hiện Ông lụy làng Vạn phải tổ chức đưa Ông lên bờ và tiến hành nghi thức tang lễ thỉnh linh hồn Ông nhập Vạn, chọn ngày giờ tốt để mai táng. Trước Dinh Vạn Thủy Tú có một khu đất rộng để mai táng Ông, gọi là Ngọc Lân Thánh Địa.Sau 3 năm mãn tang, thỉnh cốt Ông nhập tẩm trong Dinh Vạn. Qua 200 năm, Vạn Thủy Tú đã có 3 tẩm với trên 100 bộ cốt Ông được lưu thờ, trong đó có hàng chục bộ cốt lớn, đặc biệt có một bộ rất lớn.
Truyền thuyết dân gian kể lại rằng: sau khi xây xong Dinh Vạn có một Ông lớn trôi dạt vào bờ phía trước Dinh (lúc này biển chỉ còn cách Dinh không đầy 50 mét). Ngư dân trong bổn Vạn huy động thêm ngư dân các làng Vạn khác cùng nhau đưa Ông vào táng trong khuôn viên của Dinh Vạn Thủy Tú. Vì Ông lớn quá (dài hơn 20m, nặng hàng chục tấn) nên mãi hai ngày sau mới đưa vào mai táng được.
Năm 2003 theo nguyện vọng của bà con ngư dân và nhu cầu của khách thăm quan, cũng như phục vụ cho công tác nghiên cứu văn hóa - khoa học, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết đã đầu tư xây dựng Nhà trưng bày và phục chế lắp ráp bộ cốt Ông lớn nhất nhằm giữ gìn và bảo quản tốt hơn, tạo thuận lợi cho bà con ngư dân đến viếng và khách đến tham quan, các nhà khoa học đến nghiên cứu.Được sự trợ giúp của Phòng Bảo tồn - Viện Hải Dương học Nha Trang, công trình đã được khánh thành vào đúng dịp Lễ hội Cầu Ngư đầu mùa ngày 20.04 năm Quý Mùi (2003). Qua lưu thờ, bảo quản của nhân dân, bộ cốt Ông hầu như còn nguyên vẹn và được xác định là bộ cốt Ông lớn nhất Việt Nam và cả vùng Đông Nam Á.


Theo Việt Sử, qua Gia Định Thành Thông Chí số 49, vào tháng 2 âm lịch, năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn vương Ánh trong lúc đang chỉ huy quân vây hảm thành Bình Thuận thì bị Thủ quân của Nguyễn Huệ từ Bình Định vào đánh đuổi. Nguyễn Ánh thua trận phải bôn tẩu về phương nam, sau lưng là quân Tây Sơn truy sát. Lúc thuyền hai bên gặp nhau tại giang khẩu Soi Rạp, giữa tỉnh Gò Công - Gia Định, thì bảo tố nổi lên dữ dội, thuyền Tây Sơn bị đắm chìm rất nhiều, trong lúc đó thuyền chở Nguyễn Ánh cũng bị nguy khốn sắp lật thì có một cặp cá ông đỡ và dìu thuyền bình an vào tận bờ thuộc điạ phận làng Vàm Láng, tổng Kiếng Phước, tỉnh Gò Công. Sau khi thống nhất được đất nước và lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã truy phong cho cá ông tước Nam Hải Đại Tướng Quân, Cự Lộc Ngọc Lân, Thượng Đẳng Thần và gởi cho các làng xã lân cận nơi chiếc thuyền bị nạn được cứu năm đó các bằng sắc phong thần tại Cần Giờ (Gia Định), Kiểng Phước (Gò Công) và Vũng Liêm (Vĩnh Long). Nhà vua cũng ra lệnh các địa phương cất dinh vạn thờ phụng cá ông. Từ đó suốt miền duyên hải Trung phần từ phía nam đèo Ngang trở vào đều thờ cúng ông. Tại miền Bắc Việt Nam vì chịu ảnh hưởng và văn hoá Tàu nên người Việt không tin cá ông, chỉ riêng tại Đồ Sơn (Kiến An) ngư dân vẫn chôn cất cá ông khi bị lụy mặc dù không cúng kiến. Chẳng những cá voi đã che đỡ, kìm giữ cho thuyền không bị tan vỡ bởi sức hất, sức tung của bão tố, sóng gió, lại còn dìu được thuyền, cõng được người bị nạn vào bờ. Tuy nhiên, to lớn thì chậm chạp, nên nhiều trường hợp biết có thuyền bị nạn, nhưng vì quá xa không cứu được, Đức Bồ Tát đã ban cho cá voi phép “thu đường” tức là phép rút ngắn độ đường cần tới, nên bất kỳ thuyền lâm nạn ở hải điểm nào, cá voi cũng đêu kịp cứu được thuyền và người. Theo truyền thuyết, tục thờ cá Ông được xuất phát từ tín ngưỡng của dân tộc Chăm: "Vị thần tên là Cha-aih-va, vì quá nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian khổ luyện phép thuật, đã cãi lại thầy của mình và tự ý biến thành cá Voi. Đối với Phật giáo, cá ông là hiện thân của Phật bà Quan Âm, vị Phật nhân ái hiền từ, chuyên cứu khổ, cứu nạn nhân loại. Đức Quan Âm một lần tuần du trên Đông Hải, cảm động trước cảnh chết chóc của thế nhân vì thủy tai, bảo tố nên ngài đã xé manh áo cà sa của mình thành trăm mảnh, ném xuống mặt biển biến hoá thành đàn cá voi, ban cho thân thể to lớn và phép thâu đường để cá ông có sức mạnh vạn năng và bơi lội nhanh lẹ hầu cứu giúp con người khi bị lâm nạn.
Dulichbui's Blog (Tổng hợp)

Xem đầy đủ bài viết tại http://feedproxy.google.com/~r/dulichbonmua/~3/XuEc6b2-xrg/dinh-van-thuy-tu.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến