Những năm gần đây, quốc lộ 14 được đầu tư làm mới lại, đã khiến đường đến Đắk Lắk từ các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh trở nên rất gần. Chỉ cần hai ngày cuối tuần, người thành phố đã có thể làm một chuyến du lịch bụi để thoát khỏi cảnh xô bồ phố thị, tìm về chốn hoang dã rừng xanh, tìm kiếm nụ cười sơn cước duyên dáng bên những ngọn thác hùng vĩ của Đắk Lắk.
Cách đây khoảng chục năm trở về trước, du lịch Đắk Lắk chưa được nhiều người biết đến. Cảnh đẹp núi rừng hoang sơ ở đây lúc bấy giờ phần nhiều được biết đến do những chuyến công tác, giao dịch làm ăn ở Buôn Ma Thuột, người ta kết hợp thăm thú buôn làng, rừng núi. Gần đây, tour du lịch Đắk Lắk và Đắc Nông (sau khi tách Đắk Lắk thành hai tỉnh) đã có nhiều công ty du lịch lữ hành đưa vào khai thác.
Những ngọn thác hoang dã là điểm nhấn đầy cuốn hút không thể thiếu của tour thám hiểm núi rừng Tây Nguyên này. Đường vào các ngọn thác giờ đây đã thấy có nhiều đoàn du khách đến từ TP.HCM và các tỉnh lân cận đổ về vào dịp cuối tuần. Và không thiếu những vị khách du lịch “Tây ba lô” tự mình thuê xe máy lặn lội khám phá những dòng thác bạc ẩn sâu trong rừng. Điều thú vị cho khách đường xa hơn cả là có khá nhiều ngọn thác đẹp có tiếng của Đắc Nông và Đắk Lắk nằm gần nhau cùng trên một dòng sông chảy về hướng Tây: Sêrêpôk.
Những ngọn thác hoang dã đẹp mê hồn ở đây có lẽ tên thác vẫn còn xa lạ với nhiều người chưa từng đến: Dray Sap, Dray Nur, Gia Long, Trinh Nữ, Dray HLinh... Theo quốc lộ 14 từ TP.HCM đi qua Bình Dương - Bình Phước, thác Dray Sap (huyện Cư Jut, tỉnh Đắc Nông) có lẽ tiện đường vào đối với nhiều đoàn khách du lịch hơn cả. Dray Sap cách Buôn Ma Thuột hơn 30 km. Không hẳn là ngọn thác đẹp và hùng vĩ nhất trên dòng Sêrêpôk, song Dray Sap đẹp từ tên gọi đến cảnh quan và truyền thuyết về ngọn thác. Dray Sap theo tiếng dân tộc Êđê, sắc dân bản địa, Dray là thác, còn Sap là khói.
Đến bên chân thác rồi, khách đường xa chợt hiểu vì sao thác có tên là Thác Khói. Đổ từ độ cao khoảng 30 mét xuống và rộng ngang hàng trăm mét, vùng quanh chân thác “khói” nước bao phủ cả trăm mét. Trong làn “khói” mênh mang tươi mát mang lại cảm xúc lâng lâng khó tả, lòng người càng như lạc vào cõi thoát tục khi dạo bước giữa rừng già rợp bóng cổ thụ xen lẫn cỏ dại mướt xanh mà nghe kể về truyền thuyết sự tích Dray Sap.
Nàng sơn nữ H'Mi và người yêu cùng đi làm rẫy bên nhau từ khi ông mặt trời thức dậy đến lúc lặn mỗi ngày. Một lần đôi người yêu nhau đang cùng tình tự bên hòn đá nơi bờ suối sau buổi làm rẫy mê mải; chợt một con quái vật đầu to như quả núi, mắt lớn tựa nồi đồng, râu dài răng nhọn và toàn thân có vảy lấp lánh như bạc bất ngờ sà xuống. Chiếc vòi khổng lồ của nó cắm xuống.
Bỗng một cột nước khổng lồ từ dưới mặt nước phun lên. Con quái vật xòe đôi cánh lớn lượn mấy vòng, rồi phun nước tạo thành một cơn mưa dữ dội và bay mất. H'Mi sau giây phút khiếp đảm bỗng chốc tan biến vào lớp mây mù. Còn chàng trai ngày đêm than khóc nàng H'Mi bên bờ suối đã biến thành một gốc cây lớn vươn cánh tay lên trời và cắm sâu vào ghềnh đá. Nơi xảy ra chuyện tình đẹp bi thương ấy ngày nay là Thác Khói - Dray Sáp.
Thác Khói hơn hẳn những ngọn thác chung quanh nhờ vào vẻ đẹp hoang sơ của cánh rừng bao quanh. Khoảng một chục năm trở lại đây, cảnh đẹp thiên nhiên đã được bàn tay con người tôn tạo và đưa thêm tiện ích vào khu du lịch thác. Những bậc thang đá đi từ mặt đường xuống chân thác, lối mòn dạo trong rừng xây từ những hòn đá lấy từ chân thác, cầu treo vượt thác Dray Sap sang thác Dray Nur.
Ngày cuối tuần, Dray Sap luôn đầy ắp tiếng cười của những nhóm thanh niên hoặc gia đình người dân địa phương đến cắm trại. Tiện ích hơn và đông vui hơn, nhưng Dray Sap cũng mất đi vẻ nguyên thủy của hơn chục năm về trước. Lúc ấy đường vào chân thác chưa có lối xây bậc xi măng; người thám hiểm thác được dịp trải nghiệm lần mò nắm dây rừng leo xuống bậc đá hay phải tuột giày lội qua con suối nhỏ vắt ngang đường vào chân thác. Và rác cũng theo chân du khách vào khắp ngóc ngách rừng.
Song vẻ đẹp hoang sơ đủ khiến bạn quên đi đôi điều kém hoàn mỹ ấy. Cách đó không xa, chừng 3 km là thác Gia Long. Đường dẫn vào thác xuyên qua giữa rừng xanh ngút ngàn vi vu gió và chim hót ríu ran. Cảnh đường rừng hoang dã tuyệt đẹp với nhiều loại cây gỗ quý hiếm khiến nhiều người không khỏi xuýt xoa. Không phải là dịp lễ thì thác Gia Long lặng lẽ giữa rừng già, ít khách thăm viếng hơn những ngọn thác gần đó.
Những người dân địa phương sống lâu năm ở đây kể rằng thác có tên Gia Long chính là bắt nguồn từ việc vua Gia Long đã từng thưởng ngoạn cảnh thác và cho xây một cây cầu bắc ngang dòng suối nơi chân thác. Ngày nay chỉ còn lại mố cầu. Thác Gia Long cao khoảng 30m, rộng khoảng 100m. Quanh thác là rừng xanh ôm vào lòng hồ tắm tiên rộng khoảng 100m2 êm ả làn nước trong xanh chảy ra từ trong núi.
Nằm trong cụm thác gần sát nhau trên dòng Sêrêpôk còn có thác Trinh Nữ cũng thuộc huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông. Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 20km về phía Tây Nam theo quốc lộ 14, thác Trinh Nữ không hùng vĩ như những ngọn thác trong cùng một cụm thác, song được nhiều người biết đến nhờ quần thể đá bazan màu xám đen nứt nẻ dạng cột, lăng trụ, có kích thước tới vài mét nằm chồng chất bên bờ suối. Mùa nước lũ, suối chảy xiết va vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa.
Đệ nhất hùng vĩ trên dòng Sêrêpôk huyền thoại được hoà quyện bởi hai dòng sông Krông Ana (theo tiếng dân tộc Êđê có nghĩa là sông cái) và Krông Nô (sông đực) phải kể đến ngọn thác Dray Nur. Nằm cách Buôn Ma Thuột 20 km về hướng Nam, thác Dray Nur (buôn Kuốp, xã Dray Sap, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) dài trên 250 mét, chiều cao trên 30 mét, nối liền đôi bờ hai tỉnh Đắk Lắk và Đắc Nông. Không khí núi rừng trong lành, vô vàn hạt bụi nước li ti bay bên bờ thác, cách chân thác cả trăm mét vẫn cảm thấy mát mẻ dễ chịu.
Nhiều người thích trải nghiệm cảm giác mạnh tìm lối đi vào hang đá trong lòng thác, đi cầu treo... và hang đá trong lòng thác chính là nét độc đáo riêng có của Dray Nur: phòng mát-xa nước thiên nhiên ở giữa trời. Thiên nhiên đã khéo dựng một vách đá cao chắn một bên vách núi, một nhánh thác nhỏ đổ từ độ cao hơn 20 mét xuống tạo thành phòng tắm lộ thiên hoàn mỹ.
Hòa vào dòng thác tắm gội bụi trần, và cột nước từ trên cao đổ òa xuống châu thân xoa dịu mọi nỗi nhọc nhằn cơm áo, khách đường xa như quên mất đường về phố thị đầy bụi bặm. Đêm ở thác trăng dát bạc lung linh kỳ ảo, ngồi bên ché rượu cần dậy men rừng quyện với cơm lam dẻo thơm và thịt heo rừng nướng thơm nức, lắng nghe ngọn thác hát vang vọng bài ca đại ngàn, tưởng không còn lạc thú nào hơn.
Theo www.daktra.com.vn
Xem đầy đủ bài viết tại http://nhombuiduong.blogspot.com/2009/04/ky-thu-thac-bac-rung-xanh-tay-nguyen.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét