Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, khi thành phố Sóc Trăng còn tên gọi là Khánh Hưng thuộc Ba Xuyên, ông Hoàng Mạnh Thường, tỉnh trưởng Ba Xuyên bấy giờ là một người Thừa Thiên. Vì nhớ quê nên ông đã cho xây hồ Tịnh Tâm theo nguyên mẫu hồ Tịnh Tâm trong Đại Nội, Huế.
Đến năm 1982, do nhu cầu trữ nước, người dân Sóc Trăng đã đào thêm một hồ nước ngọt phía sau hồ Tịnh Tâm. Danh xưng Hồ Nước Ngọt ra đời như thế bên cạnh cái tên Đà Lạt 2 do giới học sinh đặt vì hàng dương liễu trồng quanh cả 2 hồ tạo khung cảnh thơ mộng thu hút giới trẻ.
Hồ Nước Ngọt bây giờ đã thay đổi hoàn toàn. Năm 2000, UBND tỉnh Sóc Trăng lập Ban Quản lý dự án Khu Văn hóa Hồ Nước Ngọt Sóc Trăng nhằm tạo ra một công viên văn hóa lớn cho địa phương. Diện tích hiện nay của Hồ Nước Ngọt là 20ha đã gần hoàn tất phần hạ tầng. Bao gồm xây bờ kè kiên cố, tráng nhựa toàn bộ đường đi, lắp hệ thống chiếu sáng, xây dựng các trung tâm hội chợ, triễn lãm…
Từ một cái hồ nhỏ ngày xưa, nay Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt nay là lá phổi chính của thành phố Sóc Trăng. Hàng dương liễu soi bóng xuống hai hồ thơ mộng có gần 70 000 con cá chép và mát mẻ quanh năm. Hồ có nhiều cây xanh mà chủ yếu là cây sao lấy bóng mát và cau lấy dáng cùng dương liễu (phi lao), phượng vĩ có mặt từ xưa. Hồ như một bảng màu tươi mát: những cây bằng lăng tím chen sắc vàng của chùm hoa bọ cạp nước, những cây phượng già thắm đỏ cả góc trời, một cây si với gốc to đùng nằm chễm chệ giữa hồ Thủy Tạ đang xòe rộng những tán cây xanh sà trên mặt nước, những hàng phi lao luôn rì rào, mang màu cũ kỹ… và những loại cây quý hiếm khác phô diễn khắp nơi.
Hầu hết các hoạt động văn hóa quan trọng của tỉnh Sóc Trăng đều diễn ra tại đây. Chỉ khi có các đợt hoạt động văn hóa lớn thì mới bán vé vào cổng trong vài ngày diễn ra sự kiện. Còn lại Hồ luôn mở rộng cửa cho mọi người vào ra tự do nên thu hút rất nhiều đôi uyên ương chọn nơi đây ghi lại những khoảnh khắc kỷ niệm và các đoàn lữ hành cho khách dừng chân.
Từ sáng sớm Hồ đã đông người vào đi bộ dưỡng sinh. Sau đó là các câu lạc bộ hoạt động. Người dân vào đi dạo. An ninh tại đây gần như tuyệt đối tạo cảm giác bình yên cho mọi người. Số thống kê mới nhất của Hồ cho biết: vào chủ nhật hoặc ngày lễ có hơn 25.000 lượt người - chưa kể gần 14.000 lượt xe gắn máy và gần 3000 xe đạp - ra vào Hồ. Ngày thường cũng có hơn 15.000 lượt người vào ra.
Đối với người Sóc Trăng, Hồ đi vào ký ức từng người dân địa phương như một phần của chính họ.
Ảnh: Mỹ Xuyên, Dương Thế Lộc
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=2912
0 nhận xét:
Đăng nhận xét