Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 sau CN), thời đại Hai Bà Trưng (40 - 43 sau CN), được mọi người dân Việt Nam biết đến với niềm tự hào và kính trọng sâu sắc. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, trong cả lịch sử nhân loại, một cuộc khởi nghĩa do hai nữ Anh hùng lãnh đạo, đánh đuổi giặc ngoại xâm giành thắng lợi. Bà Trưng Trắc đã lên ngôi Vua, phong thưởng các tướng sĩ, cắt cử quan lại các cấp… Có thể nói, Hai Bà Trưng là người đầu tiên có công giữ nước, xây dựng nền độc lập, người đặt nền móng cho truyền thống đánh giặc, ý thức tự lập, tự cường của dân tộc ta.
Theo chính sử, Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, cha là quan Lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan (tên tục gọi là bà Man Thiện). Tương truyền, làng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm, hai bà là chị em sinh đôi, bà chị có tên là Trưng Trắc (Trưng Trắc ý nói trứng lứa đầu), em gái có tên Trưng Nhị (ý nói trứng lứa sau). Hai bà được mẹ mời thầy giỏi trực tiếp dậy bảo nên khi lớn đều văn võ song toàn, có lòng thương dân và ý chí tự lập. Năm mười chín tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay) cũng là người có ý chí chống giặc Hán đô hộ. Một năm sau, ông Thi Sách bị viên quan Thái Thú nhà Hán là Tô Định giết. Căm thù giặc cướp nước, hận kẻ thù giết chồng, ngày 6 tháng Giêng năm Canh Tý (40 sau CN), được mẹ và thầy học cổ vũ, giúp đỡ, Bà Trưng Trắc cùng em gái Trưng Nhị dựng cở khởi nghĩa, quân dân trong vùng theo về rất đông tụ nghĩa dưới cờ. Trước lễ xuất quân, dưới ngọn cờ đào, bà Trưng tuốt gươm thề cùng trời đất, lời thề như lời hịch đầy hào khí, suốt hai ngàn năm sử sách và dân gian vẫn còn lưu giữ và truyền tụng…
Cảm kích trước mục đích cao cả của cuộc khởi nghĩa và tấm lòng trong sáng của hai bà, biết đặt quốc thù, đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, nghĩa quân đã đồng lòng chiến đấu và chỉ trong một thời gian ngắn đã giải phóng 65 thành trì, thu giang sơn về một mối… Bà Trưng xưng Vương, thưởng các tướng sĩ, cắt cử người cai quản các vùng…
Có thể coi thời đại Hai Bà Trưng là triều đại phong kiến Việt Nam đầu tiên (dù còn sơ khai) trong lịch sử dân tộc. Năm 43 (sau CN), vua Quang Vũ (nhà Hán) lại sai tướng giỏi là Mã Viện mang đại binh sang đánh chiếm nước ta, một lần nữa Hai Bà Trưng lại cùng nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa, sau nhiều trận chiến đấu quyết liệt, biết thế giặc quá mạnh không địch nổi, Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Đất nước rơi lại vào đêm trường nô lệ…
Sau khi hai bà mất, nhân dân trong nước thuộc nhiều triều đại kính trọng lập đền thờ hai bà và các tướng lĩnh giỏi (phần lớn là nữ tướng) ở nhiều nơi. Chỉ tính riêng trên đất Vĩnh Phúc đã có 65 đền thờ Hai Bà Trưng và 66 tướng lĩnh. Hàng năm, cứ đến ngày 6 tháng Giêng (ngày Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa), tại đền thờ hai bà ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh, lại mở hội lớn, nhân dân trong tỉnh và cả nước nô nức kéo về dự, thắp hương thành kính biết ơn “Nhị Vị Đại Vương” đã có công xây dựng nền độc lập ngay từ buổi bình minh của dân tộc và tiếp tục cầu mong Hai Bà phù hộ cho quốc thái, dân an…
Từ ngày có Đảng, đặc biệt là những năm 1940 – 1945, Đền thờ Hai Bà Trưng trở thành nơi chở che, đi về, hội họp của các nhà lãnh đạo tiền bối Đảng ta như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo…
Ngay phía sau đền có cây Lụa già thân rỗng, trước đây là hòm thư bí mật của đồng chí Trường Chinh. Có thể nói, Đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Vĩnh Phúc và quần thể các di tích khảo cổ lịch sử, cách mạng xung quanh khu vực này là những di tích đặc biệt quý giá, vì nó không chỉ gắn liền với những thời kỳ lịch sử hào hùng, gắn liền với những danh nhân mở nước công tích như huyền thoại, mà những di tích như thành Ống, thành Dền, thành Vượn còn đang chứa đựng trong lòng nhiều điều bí ẩn đã bị lớp bụi của thời gian che lấp. Hi vọng trong tương lai, cùng với sự trợ giúp của Nhà nước và nhân dân, các nhà khảo cổ học sẽ còn cho chúng ta nhiều thông tin đầy đủ hơn về tổ tiên chúng ta cách đây 2000 năm đã đánh giặc và dựng nước như thế nào!

Thấy rõ ý nghĩa to lớn của khu di tích, những năm qua các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cố gắng bảo quản, giữ gìn di tích. Tuy vậy, cùng với thời gian đền thờ chính vẫn đang bị xuống cấp, các di tích khảo cổ như thành Ống, thành Dền, thành Vượn… đang bị xâm hại và biến dạng. Để giữ gìn cho con cháu muôn đời một di sản vô giá của tổ tiên, góp phần giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống đánh giặc của cha ông … vừa qua, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định phê duyệt dự án: Mở rộng, cải tạo, nâng cấp khu di tích lịch sử - văn hoá - cách mạng - Đền thờ Hai Bà Trưng. Dự án vừa được công bố đã được dư luận đông đảo nhân dân trong tỉnh và cả nước đồng tình. Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có lời kêu gọi đồng bào, chị em phụ nữ cả nước tự nguyện đóng góp vào quỹ tôn tạo, mở rộng, nâng cấp khu di tích lịch sử. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà Nước cũng rất hài lòng về ý tưởng của dự án và đã có những ý kiến chỉ đạo cụ thể. Nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh cho rằng: Nên coi đền thờ Hai Bà Trưng như là một cơ sở của bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam. Thủ tướng chính phủ Phan Văn Khải đã đồng ý đưa khu di tích vào danh mục các di tích phải trùng tu tôn tạo nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và yêu cầu Bộ Văn hoá Thông tin cùng các ngành hữu quan xem xét đề nghị của tỉnh Vĩnh Phúc: trình chính phủ nâng cấp khu di tích thành Khu di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng, theo quy định của Luật Di sản văn hoá.
Đất nước sau bao cơn binh lửa đã trở lại thanh bình và đang phát triển. Việc mở rộng tôn tạo, nâng cấp Khu di tích lịch sử – cách mạng Đền thờ Hai Bà và các tướng lĩnh đã trở thành nhu cầu tinh thần to lớn của người dân cả nước.
Hoàng Quý (Vinh Phuc online)

Xem đầy đủ bài viết tại http://hoilhtnq2dukhao.blogspot.com/2009/03/khoi-nghia-hai-ba-trung-nam-40-sau-cn.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến