Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

Bài: Huỳnh Kim




Tuần rồi chúng tôi ra đảo Phú Quốc trao học bổng của Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Foundation – STF) nhằm mùa biển lặng, vậy mà cứ nghe trong lòng như có những cơn sóng dậy.









Ba mươi em học sinh được phòng giáo dục huyện chọn nhận học bổng lần này, em nào cũng con nhà nghèo mà hiếu học. Buồn nhất là có tới mười bốn em có hoàn cảnh cha mẹ li dị hoặc mồ côi. Danh sách in những hàng chữ nằm lặng thinh, như là ánh mắt buồn hiu của các em.


“Nguyễn Trùng Dương, lớp 6, cha mẹ li dị, đang sống với ngoại già yếu. Nghiêm Hoài Giang, lớp 7, cha mẹ li dị, đang sống với mẹ bệnh nặng. Nguyễn Nam Em, lớp 6, cha mẹ li dị, gia đình khó khăn. Nghiêm Hoài Sơn, lớp 3, cha bỏ, mẹ làm mướn. Phan Tuấn Hiệp, lớp 5, cha mất sớm, mẹ làm mướn. Nguyễn Thị Mỹ Oanh, lớp 3, mồ côi cha mẹ, ở với ngoại. Phú Chí Nguyễn, lớp 5, mẹ mất sớm, cha làm thuê, ở nhà trọ. Nguyễn Hữu Nghĩa, lớp 2, không có cha, mẹ làm thuê. Mai Xuân Kiên, lớp 5, cha mất, mẹ bệnh tật. Lê Thị Thu Thảo, lớp 5, cha mẹ bỏ nhau, mẹ nuôi 5 con đi học. Tô Thanh Hải, lớp 3, cha mẹ li hôn, ở với người đỡ đầu”…










Thầy Phạm Văn Nghiệp, trưởng phòng giáo dục huyện Phú Quốc, nói đang có hơn 20 % trong số khoảng hai chục ngàn học sinh trên đảo Phú Quốc nghèo khó và rơi vào những hoàn cảnh tương tự như vậy. Rồi thầy Nghiệp kể một câu chuyện thương tâm về một em nữ sinh lớp 7 ở ấp Suối Đá mới chết tại ao nhà hồi trước Tết rồi. Chỉ vì em phải dậy sớm ra ao gánh nước tưới rau để kịp đi học trong khi bụng còn đói. Cha em đã mất, mẹ tái giá và em sống với hai người lớn vô cảm trong một căn nhà lá.


Thầy Nghiệp còn kể nhiều chuyện nữa về những đồng tiền học bổng không tới tay các em, trong đó có một nguyên nhân: có quá nhiều những người cha lấy tiền này đi nhậu! Có nơi làm sổ tiết kiệm cho học sinh, nhưng cũng không thoát vì có người cha rút cả tiền tiết kiệm đi nhậu.


Thầy Nghiệp quay qua hỏi anh Trần Kim Đính, giám đốc Công ty Thông tin lữ hành Mekong, nhà tài trợ học bổng bữa đó: “Tặng mỗi em 500.000 đồng rất là quí, nhưng có chắc là phụ huynh sẽ mua cho nó một bộ đồ mới hay tập sách mới không? Hay là cha của nó sẽ lấy hết tiền đi mua rượu nhậu?”.


Thầy Nghiệp hỏi người mà như tự vấn mình, vì thấy ánh mắt của thầy buồn lắm. Thầy nói tiếp: “Ở những xã xa dọc biển, thấy các em lội bộ đi học mà xót lòng. Ước gì mấy em có được một chiếc xe đạp”.


Hai người tự dưng ngồi lặng thinh một hồi, rồi anh Đính nhẹ nhàng đề nghị: “Lần sau ra đảo, chúng tôi sẽ bàn kỹ với thầy và Quỹ STF, mình sẽ cấp học bổng bằng hiện vật cho các em, thí dụ như xe đạp”.






Phú Quốc bây giờ đã có khoảng một trăm ngàn dân từ khắp nơi về đây mưu sinh lập nghiệp. Trong đất liền thì hay thích gọi đây là “đảo ngọc” và đang có phong trào đổ xô ra đây kinh doanh “du lịch sinh thái”.

Đi một vòng lên rừng xuống biển quanh đảo, dễ gặp những tấm biển “Khu du lịch sinh thái”. Như ở ấp Suối Cát có “Khu du lịch sinh thái Trầm Hương” chỉ có bốn cái tum bên bờ suối mà vắng nhà vệ sinh công cộng. Hay như ở Gành Dầu phía bắc đảo, có dựng một tấm bảng to đùng “Khu du lịch sinh thái Bãi Dài” của một nhà đầu tư Mỹ, nghe nói dự án trị giá tới hai tỉ đô la. Nhưng Bãi Dài vẫn trống trơn trong khi dân nghèo từ đất liền ra cắm chòi dọc mé rừng đối diện với bãi cát ngày càng nhiều, để chờ cơ hội làm thuê.


Gần đó, phía Cửa Cạn, đang có một dự án sân golf rộng tới 205 héc ta trùm lên một vùng đồi bãi hoang dã đẹp như tranh. Còn ở thị trấn Dương Đông và các bãi tắm phía nam đảo, đang mọc thêm hàng chục khu nghỉ dưỡng hoặc khách sạn được thiết kế đủ kiểu tuỳ ý thích người chủ. Trong đó, có hai khách sạn cao bảy tầng làm xong rồi mà không kinh doanh được vì không có khách. Và gặp rất nhiều rác thải ở khắp nơi. Cũng như dễ gặp nhiều trẻ em lam lũ đang lội bộ tới trường.














Đêm ở bãi Bà Kèo thuộc Dương Đông, một bên rừng đồi thanh tịnh một bên biển đêm minh mông lặng lẽ dưới ánh trăng thượng tuần. Lội ra biển một mình, ngâm hàng giờ trong nước biển mát lành yên tĩnh, nghĩ ngợi miên man.



Lấp lánh ngoài khơi xa, lai rai chấp chới những ánh đèn chài của dân đi biển; không còn đông đúc tưng bừng như năm bảy năm về trước. Chợt nhớ lời ông già Hai Bé trên bờ, nói hồi chiều, bây giờ phải đi xa mới có cá, xa khuất tuốt ngoài khơi, đêm nhìn ra hổng còn thấy được ánh đèn đâu nữa.


Ảnh: Dương Thế Lộc

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=2603

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến