Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009


Ngày 11/3, Bộ Xây dựng đã có quyết định công nhận thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) là đô thị loại 3 và trình Thủ tướng quyết định công nhận TP. Đà Lạt là đô thị loại 1. Nếu không có gì thay đổi, Đà Lạt sẽ chính thức trở thành đô thị loại 1 vào tháng 4 tới.

Vậy là sau 116 năm hình thành và phát triển, đi qua nhiều giai đoạn kiến tạo, quy hoạch và xây dựng (nhất là trong những năm gần đây), đô thị Đà Lạt lại có thêm động lực để phát triển.
Cách đây 10 năm, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II. Kể từ khi được công nhận, TP. Đà Lạt đã nhận được sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Trung ương, của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của người dân. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và tăng cường quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch, đảm bảo đô thị phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Đà Lạt đã nỗ lực hết sức tạo ra môi trường thông thoáng, hấp dẫn để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại và kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đồ án “Quy hoạch chung xây dựng thành phố và vùng phụ cận” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002 chính là cơ sở để Đà Lạt có những bước phát triển mạnh mẽ.

Theo đánh giá của UBND thành phố, sau 10 năm được công nhận đô thị loại II, Đà Lạt đã có những bước chuyển mình rõ rệt: Kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng du lịch, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp; phát triển đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ; quá trình đô thị hoá gắn liền với chuyển dịch cơ cấu ngành nghề. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế xã hội những năm qua luôn ổn định ở mức cao… Đà Lạt đã hội đủ các yếu tố, tiêu chí để đề nghị Chính phủ công nhận là đô thị loại I.
Qua bản tổng hợp đánh giá các chỉ tiêu phân loại đô thị gồm: Chức năng đô thị, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, diện tích nhà ở…, có thể thấy TP. Đà Lạt đều đạt và vượt các tiêu chí của đô thị loại I. Tuy nhiên, hiện vẫn còn chỉ tiêu gần đạt như: Tỷ lệ nhà kiên cố so với tổng quỹ nhà mới đạt 58% (so với tiêu chuẩn là 60%); tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tối thiểu mới đạt 3,62% (tiêu chuẩn 6%); mật độ đường cống thoát nước mới đạt 2,52 km/km2 (chỉ tiêu 4,5 km/km2); rác thải được thu gom và chôn lấp đạt 85% (chỉ tiêu 90%)… và tỷ lệ đường chính được chiếu sáng đạt 92% (chỉ tiêu 100%). Riêng quy mô dân số đô thị của Đà Lạt là gần 256.600 người so với tiêu chuẩn là 350.000 người. Song theo Thông tư 02/2002/TTLT-BXD-TCCBCP, “khi đánh giá nếu có một số chỉ tiêu cấu thành yếu tố phân loại đô thị thấp hơn 70% so với quy định, thì phải xem xét thêm triển vọng phát triển của đô thị đó trong nội dung quy hoạch xây dựng đợt đầu (giai đoạn 5 năm trước mắt) cùng với các biện pháp có tính khả thi cao, có khả năng khắc phục được những tồn tại, yếu kém của đô thị về các mặt đó để quyết định xếp loại”. Và căn cứ vào Nghị định 72/2001/NĐ-CP thì “đối với các đô thị có chức năng nghỉ mát, du lịch, điều dưỡng, các đô thị nghiên cứu khoa học, đào tạo thì tiêu chuẩn quy mô dân số thường trú có thể thấp hơn, nhưng phải đạt 70% so với mức quy định; riêng tiêu chuẩn mật độ dân số bình quân của các đô thị nghỉ mát, du lịch và điều dưỡng cho phép thấp hơn, nhưng tối thiểu phải đạt 50% so với mức quy định”. Đó là chưa nói đến xu thế đánh giá đô thị hiện đại sẽ hướng đến mô hình đô thị ít dân số, đề cao chất lượng môi trường sống sắp tới đây sẽ được ban hành.

Ông Trương Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, với nội dung này thì “Đà Lạt đáp ứng 85% các tiêu chí theo quy định phân loại đô thị loại I”. Hiện đề án đề nghị công nhận TP. Đà Lạt đạt tiêu chuẩn đô thị loại I đang được Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Các vấn đề như: chiếu sáng, xử lý nước thải, thu gom rác… không ảnh hưởng đến quá trình công nhận bởi thành phố đang tập trung xây dựng hàng loạt dự án đầu tư hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải và chất thải rắn bằng nguồn vốn ODA để thời gian tới đáp ứng được tiêu chí của đô thị loại 1.
Theo Bộ Xây dựng, Đà Lạt đang là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, văn hoá thể thao của tỉnh Lâm Đồng; là một trong những trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc gia. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2007 của thành phố đạt trên 960 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 890 USD, tăng trưởng kinh tế trên 17%. Việc TP. Đà Lạt đạt tiêu chuẩn đô thị loại I sẽ góp phần xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đô thị của vùng Tây Nguyên theo quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam. Qua đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị sẽ được đầu tư tăng cao và đồng bộ theo hướng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện nâng cao, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển thành phố./.

Nguyễn Hoàng


Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/onlydalat/blog/show.dml/3071838

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến